Hơn 70 năm sau khi rời Việt Nam, di sản của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923 – 1993) một lần nữa lại có dịp trở về quê hương, để khán giả có thể hiểu hơn về tài năng, cuộc đời và những tâm sự xa quê của một bậc thầy trong lĩnh vực tranh sơn mài.
Nói “một lần nữa” bởi vào năm 2023, tranh của Trần Phúc Duyên đã được giới thiệu qua một cuộc triển lãm tại TP.HCM. Còn lần này, tại Hà Nội, đó là buổi ra mắt cuốn sách Duyên: Hiện thực, Trừu tượng, Thiền họa (Omega Plus và NXB Thế giới ấn hành) vào cuối tuần qua.
“Với ông, thời gian đã như ngừng lại…”
“Mọi thứ diễn ra giống như một chữ duyên, đúng như tên của cụ. Từ duyên trong tiếng Việt khá đa nghĩa, nhưng được biết đến nhiều nhất là nguyên nhân, là duyên cớ. Với chúng tôi, đó là điểm khởi đầu cho câu chuyện này” – nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt kể.
Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh (Phạm Lê Collection) đã được nhắc tới nhiều trong năm 2023, khi họ đưa bộ sưu tập của họa sĩ Trần Phúc Duyên hồi hương. Nhưng câu chuyện bắt đầu từ thời gian xa hơn – vào khoảng năm 2017. Theo lời Đạt, khi ấy, họ chủ yếu chỉ tìm hiểu về tác phẩm của các họa sĩ người Pháp du hành qua Đông Dương trong giai đoạn này.
Để rồi, một lần tình cờ, 2 nhà sưu tập đọc trên mạng xã hội bài viết của một nữ du khách từng du lịch Thụy Sỹ. Cô viết, Thụy Sĩ không có gì quá đặc biệt, ngoài ấn tượng để lại từ “một góc khuất” của thành phố Bern. Ở đó, du khách này được xem triển lãm của một họa sĩ Việt Nam đã mất 20 năm trước. Những bức tranh này từng “ngủ quên” một thời gian dài, trên phòng áp mái của một tòa lâu đài…
Đạt và Vinh tìm tới triển lãm, mua 2 bức tranh còn sót lại. Họ được biết đây là triển lãm do một gallery tổ chức để “thăm dò” thị trường khi được ủy quyền bán một số tranh của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên. Đáng nói, ngoài số tranh đã bán, gia sản của ông vẫn còn khoảng 100 bức tranh sơn mài cùng toàn bộ giấy tờ, sổ sách, các bức phác thảo.
Sau khi xem tranh, cả 2 lên kế hoạch sang Pháp, xin mua lại toàn bộ phần “di sản” này từ gia đình cố họa sĩ, đồng thời lên kế hoạch đưa tất cả tranh của ông về Việt Nam trong vòng 5 năm tiếp theo.
“Trong quãng đời sống tại Pháp và Thụy Sĩ, rất nhiều bức tranh của cụ Duyên vẫn lấy chủ đề Việt Nam. Có nghĩa với ông, thời gian đã như ngừng lại kể từ năm 1954, khi rời xa đất nước này” – Đạt kể – “Cùng là những người con xa xứ, chúng tôi thấy rất đồng cảm và vô cùng xúc động”.
Còn như lời Lê Quang Vinh, khi biết họa sĩ chưa bao giờ trở lại quê hương kể từ khi ra đi, anh tự thấy mình và Vinh có trách nhiệm phải đưa di sản mỹ thuật đồ sộ này về với khán giả Việt Nam.
“Tại Hà Lan, gần nơi chúng tôi đang sống có bảo tàng bia Heineken. Đó là di sản của một dòng họ – nơi du khách có thể được nghe những câu chuyện về việc nhãn bia ấy đã ảnh hưởng tới gia đình, đất nước và cả thế giới như thế nào” – anh nói – “Từ câu chuyện ấy, tôi vẫn thường nghĩ về việc chúng ta nên làm gì với những di sản sáng tạo của một cá nhân, nhất là trong nghệ thuật…”.
Thực tế, năm 2023, Phạm Lê collection đã tổ chức triển lãm Họa duyên tương ngộ tại TP. HCM, giới thiệu hơn 100 tác phẩm và tư liệu tiêu biểu cho sự nghiệp của Trần Phúc Duyên. Khi ấy, bản thảo của cuốn sách đã được chuyển cho nhà in với mong muốn sách sẽ ra mắt đúng dịp triển lãm triển lãm Họa duyên tương ngộ.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo trước triển lãm, một số nhà báo – trong đó có phóng viên của Thể thao và Văn hóa – đã có những đóng góp chân tình về các lỗi trình bày và biên soạn của sách khi xem bản thảo. Do vậy, Phạm Lê collection đã quyết định hoãn việc xuất bản vào phút cuối cùng. Thay vào đó, toàn bộ phần thiết kế cuốn sách được làm lại từ đầu.
Như lời họ, tranh sơn mài của Trần Phúc Duyên, đặc biệt là các tác phẩm sáng tác tại châu Âu, thường có tông màu đơn sắc, ít tương phản, nhẹ nhàng. Đây là thách thức lớn với các công đoạn chụp ảnh tác phẩm, trình bày và in ấn. Do vậy, có nhiều bức tranh đã phải chụp ảnh nhiều lần. Đồng thời, phía biên soạn phải nhờ tới một chuyên gia phục chế cùng làm việc với nhà in và nhà thiết kế để đọc màu, đối chiếu và so sánh với tác phẩm gốc, sao cho hình ảnh in ra trong sách có thể tái hiện được tối đa các sắc màu rất tinh tế của cố họa sĩ.
Trần Phúc Duyên kết hợp kỹ thuật và cảm quan nghệ thuật của cả phương Đông và phương Tây để tạo cho mình một hệ phái sơn mài rất riêng.
“Chất thơ và chất mơ”
Như những gì được chia sẻ tại tọa đàm, trong 70 năm của cuộc đời mình, Trần Phúc Duyên dành trọn 50 năm cho nghệ thuật sơn mài. Và 40 năm trong số đó lại là quãng thời gian cố họa sĩ sinh sống tại nước ngoài. Không lập gia đình, ông chọn dâng hiến gần như toàn bộ cuộc đời mình cho nghệ thuật sơn mài và những đề tài thấm nhuần tâm hồn Việt Nam.
Đáng nói, theo nhà nghiên cứu Bùi Hoàng Anh, trong số các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương sống tại Pháp như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Phạm Tăng… thì Trần Phúc Duyên chính là người duy nhất vẽ tranh sơn mài. Và trong số 25 triển lãm của cuộc đời mình, có tới 23 triển lãm của ông được thực hiện trên đất Pháp. Để thực hiện được điều ấy, họa sĩ đã có những sáng tạo phi thường để vượt khỏi bối cảnh thiếu thốn vật liệu sơn mài truyền thống tại châu Âu.
“Một con người tận hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật như Trần Phúc Duyên sẽ có những cảm thức sáng tác rất riêng. Chúng ta không nhìn thấy con người hiện đại trong tranh của họa sĩ” – bà nhận xét – “Tranh của ông gắn với một Việt Nam trong quá khứ, luôn đậm chất thơ và chất mơ”.
Theo nhận xét của Phạm Quốc Đạt, sự thiếu thốn về chất liệu sơn mài – điển hình là sơn ta – tại châu Âu đã thúc đẩy cố họa sĩ tìm đến những đổi mới về chất liệu, để rồi tiếp tục mở ra những đổi mới về phong cách. Ở đó, Trần Phúc Duyên kết hợp kỹ thuật và cảm quan nghệ thuật của cả phương Đông và phương Tây để tạo cho mình một hệ phái sơn mài rất riêng.
Như lời anh, họa sĩ đã không dừng lại với phong cách đặc trưng của mỹ thuật Đông Dương với những gam màu đỏ son, đen vàng đối lập như trước. Sang Thụy Sỹ, tông màu của ông bớt dần sự tương phản và chuyển sang rất nhiều gam màu vàng. Trần Phúc Duyên dùng các gam màu vàng đó để giữ được đặc tính và bản chất của sơn mài, nhưng cũng để tạo được ngôn ngữ riêng của mình.
“Điển hình trong số này là bức Phong cảnh Sài Sơn – chùa Thầy. Tại đó, với những gam màu vàng, cảnh vật trong tranh không còn quá rõ nét, mà như nhuốm một lớp bụi thời gian sau bao năm xa cách” – Phạm Quốc Đạt nói.
“Rồi, giống như tên gọi DUYÊN: Hiện thực, Trừu tượng, Thiền họa của cuốn sách, sau thành công với đề tài về phong cảnh và con người, cố họa sĩ có sự chuyển đổi sang đề tài trừu tượng vốn ít được biết tới trong sơn mài” – anh kể thêm – “Ban đầu, khi mới tiếp xúc với kho di sản để lại, chúng tôi tưởng có một số bức chỉ dừng lại ở giai đoạn vẽ nền. Nhưng khi thấy tranh có chữ ký, và qua quá trình tìm hiểu thêm, chúng tôi mới hiểu về lựa chọn của cụ”.
Một mảng tranh khác của Trần Phúc Duyên cũng được nhà sưu tập này nhắc tới: Họa sĩ đến với hội họa bằng việc học trường Mỹ thuật Đông Dương và chịu ảnh hưởng từ cách nhìn của phương Tây – để rồi cuối đời lại trở về với chất phương Đông của mình bằng Thiền họa qua việc đưa thủy mặc lên sơn mài. Đó là những bức tranh nhỏ, nhiều chi tiết được lược bỏ với những khoảng trống phơ phất vài nét cọ. Nhưng, sự tối giản ấy lại đầy tinh tế và gợi mở, khiến người xem liên tưởng tới câu chuyện của thơ Đường, thơ Tống.
Như nhà phê bình Phan Cẩm Thượng đã viết: “Nếu chỉ theo đuổi lối hội họa sơn mài phong cảnh thì phong cách Trần Phúc Duyên cũng chỉ dừng lại ở những điểm chung của dòng tranh Đông Dương. Nhưng ông đã rẽ sang hướng khác, không phải vì muốn khác biệt hay hay hơn, mà vì toàn bộ những gì ông trải qua, cuộc sống thực tại của chính ông đưa ông đến Trừu tượng và Thiền họa…”.
“Duyên: Hiện thực, Trừu tượng, Thiền họa”
Do Phạm Lê Collection chủ biên, cuốn sách cung cấp những thông tin đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Trần Phúc Duyên – từ thời kỳ còn là học sinh của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tới khi mở xưởng sơn mài tại Hà Nội rồi di cư sang Pháp và Thụy Sỹ, cùng những đánh giá sâu sắc về nghệ thuật sơn mài của ông trong tương quan phát triển của nghệ thuật sơn mài Việt Nam của nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt và Phan Cẩm Thượng.
Ngoài ra, 100 tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của cố họa sĩ cũng được chọn in kèm để độc giả hình dung được sự phát triển về phong cách, đề tài sáng tác và ngôn ngữ nghệ thuật của ông.
Cúc Đường. Ảnh: BTC