Ngày 30/9, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế chủ đề “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp”.
Tham dự hội thảo có các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, đại diện dòng họ Lê, nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, một số học giả đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Áo.
Hội thảo nằm trong Kế hoạch 120/KH-UBND của UBND tỉnh Thái Bình về việc xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn nhân kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của ông (2/8/1726 – 2/8/2026).
Đồng thời, Hội thảo góp phần làm rõ hơn thân thế, sự nghiệp; khẳng định công lao, tài năng, tôn vinh đóng góp đặc biệt xuất sắc của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn đối với nền văn hóa Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa khu vực và quốc tế.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Nghiêm khẳng định, trải qua gần 1.000 năm khoa cử dưới thời phong kiến, Thái Bình có hơn 120 trí thức Nho học thi đỗ đại khoa, với các học vị từ Phó bảng đến Trạng nguyên, trong đó có Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn – được coi là biểu tượng sáng ngời về tinh thần, trí tuệ Việt Nam.
Những công trình của ông có giá trị to lớn về mặt nghiên cứu, đồng thời là biểu hiện của sự kết nối giữa trí thức Việt Nam với các nền văn hóa khác, giúp làm giàu thêm kho tàng văn hóa nhân loại. Việc hoàn thiện hồ sơ ghi danh Lê Quý Đôn là Danh nhân văn hóa thế giới không chỉ là sự tôn vinh những đóng góp của cá nhân ông mà còn khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam, trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế.
Hội thảo còn là dịp để Đảng bộ, nhân dân Thái Bình nói riêng và những người quan tâm đến lịch sử Việt Nam nói chung có thêm cơ hội tiếp cận thành tựu nghiên cứu khoa học mới nhất về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa, nhà bác học Lê Quý Đôn một cách toàn diện. Từ đó có trách nhiệm trong bảo tồn và phát huy những giá trị di sản mà ông để lại, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng như truyền cảm hứng về tinh thần hiếu học cho thế hệ sau.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, trong lịch sử 300 năm qua, tài năng, tầm vóc của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn được khẳng định và nhận sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước, nước ngoài, đồng thời cho thấy sự cần thiết giới thiệu rộng rãi hơn nữa di sản Lê Quý Đôn đến với thế giới.
Với 4 tiểu ban, hội thảo tập trung khắc họa tài năng, tầm vóc của Lê Quý Đôn gồm: Quê hương và gia tộc danh nhân Lê Quý Đôn; sự nghiệp của Lê Quý Đôn qua các tác phẩm; sự nghiệp của Lê Quý Đôn qua các hoạt động cụ thể; bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Lê Quý Đôn trong bối cảnh hiện nay.
Lê Quý Đôn (1726 – 1784) tên thật là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường sinh ra trong một gia đình nông dân tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông là một trong những danh nhân kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam, từng được vinh danh là nhà bác học lớn nhất Việt Nam thời phong kiến. Ông không chỉ giỏi trong các lĩnh vực triết học, lịch sử, địa lý, thiên văn mà còn là nhà văn, nhà ngoại giao xuất sắc.
Với những đóng góp của ông, ngày 31/3/1986, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Bằng công nhận Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn tại xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là Khu Di tích lịch sử văn hóa.
Để khẳng định công lao, đóng góp của ông, huyện Hưng Hà đã quy hoạch Dự án Khu lưu niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn với hơn 19 ha, chia thành 3 khu chính gồm: Khu lưu niệm, khu di tích cổ và khu dịch vụ công cộng. Năm 2019, giai đoạn I của Dự án này đã hoàn thành.