10 năm qua, kể từ ngày đặt chân tới Hàn Quốc cho tới ngày trở về Việt Nam cống hiến, chàng trai chưa từng ngừng cố gắng, nỗ lực vì những mục tiêu cao hơn, xa hơn.
TỪ MÔN HỌC “KÉM NHẤT” TỚI TIẾN SĨ VẬT LÝ
Với thế mạnh vượt trội các môn toán, hóa học, sinh học và “kém nhất” môn vật lý, Lê Đường Anh Duy từng ước mơ thi đậu khối B, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, để trở thành bác sĩ. Tuy nhiên, không thể ngờ, anh thi rớt khối B và đành vào khối A với ngành vật lý, chuyên ngành điện tử, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Chàng trai quê Ninh Thuận cũng không ngờ rằng định mệnh này đã đưa anh đến nhiều cơ hội tuyệt vời sau đó.
Càng học, Anh Duy càng thấy ngành vật lý có nhiều điểm thú vị. Anh tốt nghiệp đại học, lấy bằng cử nhân vật lý, theo đuổi đam mê với thử thách bản thân cao nhất là chinh phục học vị tiến sĩ tại ĐH Hanyang, một trong 5 đại học thuộc tốp đầu ở Hàn Quốc bằng học bổng toàn phần. Đáng chú ý, trong thời gian học tập tại xứ sở kim chi, Anh Duy là hội trưởng Hội Sinh viên Việt Nam tại ĐH Hanyang (nhiệm kỳ 2018 – 2019), đại biểu diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu trong nhiều năm.

Tiến sĩ vật lý Lê Đường Anh Duy
“Có ai hỏi tôi về quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời cho tới bây giờ là gì, thì trong đầu tôi vẫn hiện ra thời gian từng nghiên cứu sinh tại ĐH Hanyang. Trong suốt 2 năm đầu tiên làm nghiên cứu, tôi phải thức khuya tới 5 – 6 giờ sáng để vùi đầu vào thí nghiệm còn dang dở, rồi trở về ký túc xá gần trường nghỉ một chút, tới 9 giờ 30 sáng đã phải quay lại làm việc. Tôi rất áp lực, từng có lúc muốn từ bỏ mọi thứ để về với gia đình ở Việt Nam. Dẫu vậy, câu nói rất đúng trong hoàn cảnh của tôi thời gian đó “áp lực tạo nên kim cương” đã giúp tôi rèn giũa ý chí và tư duy của một người làm nghiên cứu khoa học thực thụ”, Lê Đường Anh Duy bộc bạch.
SAY MÊ NGHIÊN CỨU VỀ QUANG HỌC
Lê Đường Anh Duy cho biết công nghệ quang học xuất hiện xung quanh chúng ta hằng ngày mà có thể nhiều người chưa biết, như camera hay faceID trên điện thoại, công nghệ màn hình LED, khí tài trong lĩnh vực quân sự như súng laser hay ống nhòm hồng ngoại (xuất hiện tại triển lãm khí tài quân sự Việt Nam), đèn chiếu sáng thông minh trên ô tô hay trong nhà… Đặt biệt, công nghệ quang học ứng dụng phổ biến trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn hiện đang “hot” trong thời gian gần đây.
Tiến sĩ nghiên cứu sâu về lĩnh vực quang học có 4 bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, 11 đề tài được mời trình bày ở các hội thảo quốc tế chuyên ngành.
Một trong những bài báo khoa học dự hội nghị quốc tế và đạt giải thưởng “Bài báo xuất sắc có tầm ảnh hưởng” của tiến sĩ Duy nói về “cảm biến quang học đo độ ẩm dùng bộ cộng hưởng có cấu trúc siêu nhạy”.

Tiến sĩ Anh Duy say mê nghiên cứu lĩnh vực quang học
Bài báo khoa học thứ tư của tiến sĩ Duy mang đậm tính giá trị trong cộng đồng. Bài báo này bàn về siêu vật liệu kích thước nano tính năng phát quang phát hiện lượng glucose trong nước mắt. Từ đó, anh có một nghiên cứu chuyên sâu về tính chất vật liệu nano graphene và ứng dụng vào y tế – sức khỏe như đo kiểm tra nồng độ glucose trong nước mắt một cách gián tiếp và không gây đau như cách thông thường (lấy máu để kiểm tra nồng độ glucose).
Lấy bằng tiến sĩ ngành vật lý tại Hàn Quốc, dù nhiều cơ hội làm việc, phát triển sự nghiệp tại nước ngoài, Anh Duy vẫn quyết định trở về Việt Nam làm việc. “Tôi chọn về Việt Nam với nhiều hoài bão, đó là được khởi nghiệp về mảng khoa học công nghệ tại quê hương đất nước nơi mình sinh ra. Việt Nam đang phát triển với nhiều cơ hội mở dành cho những bạn trẻ như tôi được đam mê và cống hiến một phần nhỏ công sức cho khoa học nước nhà”, Anh Duy chia sẻ.
Hiện tiến sĩ Duy đang làm trong một tập đoàn công nghệ toàn cầu, lĩnh vực liên quan tới công nghệ kiểm tra thiết bị linh kiện quang học, tại TP.HCM. Anh cho hay thị trường đánh giá và kiểm tra sản phẩm ở VN nói riêng và thế giới nói chung vẫn còn khá lớn và tiềm năng, nên cơ hội để phát triển trong lĩnh vực này nhằm giúp cải thiện sản phẩm công nghệ đầu ra của các công ty, công nghiệp là khá lớn. Đồng thời, với mục tiêu tạo ra giá trị sản phẩm R&D có chất lượng công nghệ cao, đòi hỏi mỗi người trẻ như tiến sĩ Duy phải có kiến thức đủ lớn về lĩnh vực quang học này, từ đó trở thành một chuyên gia đầu ngành để phát triển đất nước.
Hiện nay, tiến sĩ Duy còn đang điều hành công ty riêng của mình tại TP.HCM mang tên “Giải pháp quang học và ánh sáng Optica”. Anh cho biết việc mình điều hành công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực quang học chính là giấc mơ đã trở thành sự thật sau bao tháng ngày ấp ủ.

Anh bộc bạch: “Chủ trương của nhà nước đã nêu rõ vai trò quan trọng và cấp thiết của sở hữu công nghệ cốt lõi và sản phẩm khoa học từ các nhà nghiên cứu khoa học trong nước. Công ty riêng của tôi cung cấp những thiết bị thí nghiệm phòng Lab và tư vấn kỹ thuật một cách chuyên sâu đến tay những nhà nghiên cứu, tạo niềm tin và động lực để họ phát triển khoa học một cách bài bản và suôn sẻ trong nghiên cứu. Do đó, công ty riêng vừa là đam mê, vừa là động lực để tôi cố gắng phấn đấu trong thời gian trống cho phép để điều hành hiệu quả, với trách nhiệm nhỏ phụng sự cho nền khoa học và công nghệ nước nhà”.
Ngày 30.4.2025 đặt mốc son 50 năm đất nước thống nhất. Là một người trẻ Việt Nam được làm việc, cống hiến tại TP.HCM trong thời điểm lịch sử này, Lê Đường Anh Duy có nhiều cảm xúc. Anh nghĩ lại những khó khăn mà dân tộc đã trải qua trong lịch sử, những hy sinh của thế hệ cha anh giúp đất nước có được ngày hôm nay.
Mỗi ngày trôi qua, Anh Duy tâm niệm, với đam mê nhiệt huyết tuổi trẻ, anh luôn sẵn sàng đóng góp công sức vào phát triển nghiên cứu khoa học và sản phẩm công nghệ cốt lõi cho đất nước, đó cũng là niềm tự hào dân tộc đối với khu vực cũng như trên thế giới.