Khi các nhà văn “gõ cửa trái tim”

Nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: Khi các nhà văn “gõ cửa trái tim”

“Ngày 22/9/2024, ở tuổi 75, Bruce Weigl vượt một quãng đường hơn 800 km để tới New York và nhận Huân chương Hữu nghị từ tay Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Gọi điện cho tôi, ông xúc động sâu sắc” – nhà văn Nguyễn Quang Thiều kể.

Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao Huân chương Hữu nghị cho 2 nhà thơ Kevin Bowen và Bruce Weigl trong chuyến đi Mỹ tháng 9/2024 là cột mốc quan trọng để nhìn lại một hành trình rất dài của các nhà văn Việt Nam và Mỹ trong nửa thế kỷ qua. Ở đó, trước khi 2 quốc gia chính thức bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, họ đã chọn con đường của văn hóa để đóng vai trò “gõ cửa” cho sự kết nối mới, sau một cuộc chiến tranh tàn khốc trong quá khứ.

Là chứng nhân, và cũng giữ vai trò quan trọng mối quan hệ này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam) có cuộc trò chuyện với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN)

Nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: Khi các nhà văn "gõ cửa trái tim" - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao tặng Huân chương Hữu nghị cho nhà thơ Bruce Weigl (thứ hai từ phải sang) vào ngày 22/9/2024 tại New York. Ảnh: TTXVN

Một Việt Nam rất khác

Ông Thiều kể:

– Thực tế, người Mỹ quan tâm tới văn hóa Việt Nam ngay từ những năm chiến tranh. Trong thành phần quân đội Mỹ khi đó có rất nhiều người là trí thức, sinh viên, chuyên gia – và họ đến từ một quốc gia vốn tôn trọng các nền văn hóa khác, cũng như tôn trọng mọi khác biệt. Để rồi, đặt chân tới Việt Nam, nhiều người nhận ra: Đây là một đất nước rất khác so với những gì chính quyền Mỹ ngày đó từng tuyên truyền.

Ra khỏi chiến tranh, những cựu binh ấy tiếp tục học nốt đại học, hoặc quay về với việc nghiên cứu. Và, việc phân tích, mổ xẻ cuộc chiến tranh vừa qua của họ luôn gắn liền với nhu cầu lý giải Việt Nam, lý giải nguyên nhân khiến người Mỹ không đạt mục đích trong cuộc chiến với một đất nước nhỏ bé và khi đó còn lạc hậu.

Thật ra, trong 10 năm đầu từ sau 1975, nhiều nhà văn vốn là cựu binh Mỹ đã muốn quay lại Việt Nam. Nhưng đó là giai đoạn chưa “tan băng” trong ngoại giao, với sự thận trọng, dè dặt ở cả 2 phía.

Nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: Khi các nhà văn "gõ cửa trái tim" - Ảnh 2.

Nhà văn Lê Lựu ký tặng tác phẩm các nhà văn cựu binh Mỹ tại Hà Nội

* Cột mốc cho những thay đổi sau đó đến từ đâu?

– Chắc chắn, không thể bỏ qua những nỗ lực của Trung tâm Nghiên cứu chiến tranh và hậu quả xã hội Willam Joiner (WJ), nay là Viện Willam Joiner thuộc Đại học Massachusetts, Boston. Từ giữa thập niên 1980, phía WJ đã có những cuộc tiếp xúc và những chuyến đi đầu tiên tới Hà Nội.

Như tôi nhớ, ban đầu, họ làm việc với Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, rồi sau đó thấy không thể “bỏ qua” Hội Nhà văn Việt Nam. Đại diện của WJ khi đó – 2 nhà thơ Kevin Bowen và Bruce Weigl – đều là cựu binh tại Việt Nam cuối thập niên 1960. Với họ, những nhà văn Việt Nam từng cầm súng chống Mỹ luôn đáng được trân trọng để đối thoại và tìm sự đồng cảm.

Từ lời mời và xúc tiến của WJ, năm 1987, chúng ta có Lê Lựu là nhà văn đầu tiên sang Mỹ. Lê Lựu là một nhà thông thái nông dân, ông đã lôi cuốn rất nhiều trí thức và chính khách Mỹ trong những cuộc trò chuyện và đối thoại của mình. Rồi, sau Lê Lựu, phía WJ thấy cần có nhiều cuộc gặp gỡ nữa. Và Việt Nam có thêm một số nhà văn tới Mỹ trong những năm sau để gặp gỡ, giao lưu văn hóa, đọc tác phẩm…

Nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: Khi các nhà văn "gõ cửa trái tim" - Ảnh 3.

Kevin Bowen trong lần tái ngộ nhà văn Lê Lựu

Rất nhiều nhà văn Mỹ dành tình cảm cho Việt Nam

“Tôi có vinh dự được tới Mỹ trong buổi ra mắt tập thơ, và thay mặt những tác giả mà mình không quen biết ấy đọc lên những câu thơ của họ trước cử tọa. Tất cả đều xúc động, và đồng ý với tôi: Đây là hồ sơ chân xác nhất về văn hóa và vẻ đẹp của một dân tộc” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

* Ở một giai đoạn chưa “tan băng”, hẳn đó là một hành trình phức tạp để vượt qua các định kiến?

– Thẳng thắn, ở lần đầu tiên sang Việt Nam, những nhà văn Mỹ vẫn có chút rụt rè, ngờ vực và cả lo ngại… Nhưng khi gặp gỡ các nhà văn Việt Nam từng cầm súng – những “cựu thù” khi xưa – thì sự dè dặt ấy sớm được xua tan. Và, sự chân tình của chúng ta được đáp lại bằng những nồng nhiệt, chân tình.

Tất nhiên, vẫn có nhiều rào cản đến từ phía khác. Chẳng hạn, khi bắt đầu mọi việc, Kevin Bowen phải chuyển nhà và thay điện thoại. Ông nhận được những cuộc gọi đầy hằn học, rằng chúng tao sẽ giết con mày và cưỡng dâm vợ mày nếu  tiếp tục những thứ đang làm. Có tờ báo gọi Kevin là “bàn tay nối dài của Cộng sản”.

Rồi, năm 1991, ông đưa một số nhà văn Mỹ sang tổ chức hội thảo tại Việt Nam, dùng 10 ngàn USD từ quỹ của WJ để trang trải các khoản chi. Về nước, Kevin phải điều trần về việc tiêu số tiền ấy tại một quốc gia vẫn còn bị coi là kẻ thù. Rồi, trong lần tới Mỹ năm 1994, chúng tôi cũng được phía WJ khẩn cấp đưa khỏi chỗ ở, sau khi một số kẻ quá khích sơn lên tường dòng chữ “Kill all VC” (giết hết Cộng sản)…

Nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: Khi các nhà văn "gõ cửa trái tim" - Ảnh 5.

Nguyễn Quang Thiều (trái) và Kevin Bowen (phải) trong một buổi giao lưu thơ cùng bạn đọc

* Bên cạnh sự cực đoan ấy, những nhà văn Mỹ đến với chúng ta ra sao, trên chính đất nước họ?

– Tôi nghĩ, tấm Huân chương Hữu nghị mà Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng Kevin Bowen và Bruce Weigl đã đủ nói lên tất cả. Tại trung tâm WJ cũng như trên đất Mỹ có rất nhiều nhà văn dành tình cảm cho Việt Nam như 2 nhà thơ này.

Họ là Susan Brownmiller, một nữ nhà báo nổi tiếng về nữ quyền, từng viết về nạn cưỡng dâm các thiếu nữ vị thành niên của lính Mỹ ở Việt Nam trong chiến tranh. Gặp tôi năm 1993, bà kể rằng mình từng làm việc cho một kênh thời sự của truyền hình Mỹ trong chiến tranh. Khi ấy, Susan hào hứng tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, dần nhận ra sự dối trá trong lời tuyên truyền trên truyền hình nên đập vỡ cả chục chiếc tivi tại chỗ làm và rồi nghỉ việc.

Họ là nhà thơ lớn Grace Pale. Thời trẻ, ở New York, bà từng xuống đường, đứng tại ngã tư với tấm biển phản đối chiến tranh trên tay. Chồng bà kể với tôi rằng những ngày đầu, người qua đường nhổ vào Grace Pale, tới mức quần áo bà ướt sũng khi về nhà. Nhưng chỉ một thời gian sau đó, hàng trăm người đã tin và đứng cạnh Grace Pale…

Như thế, khi mà các chính trị gia của mỗi nước chưa thể đặt chân tới phía bên kia, chính các nhà văn đã đi trước và đóng vai trò “gõ cửa” để xây dựng mối quan hệ cho một giai đoạn mới. Thực tế, từ nỗ lực của nhiều nhà văn Mỹ, một số chính trị gia cũng đã hỗ trợ và giúp đỡ chúng ta trong việc vận động gỡ bỏ cấm vận – điển hình là Thượng nghị sĩ John Kerry, Chủ tịch danh dự của WJ và cũng là ngoại trưởng Mỹ sau này…

Nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: Khi các nhà văn "gõ cửa trái tim" - Ảnh 6.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong một buổi đọc thơ tại Mỹ

Hồ sơ chân xác nhất về vẻ đẹp của một dân tộc

* Vậy sau khi Mỹ gỡ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, cây cầu nối từ các nhà văn – như cách ông gọi – được tiếp tục duy trì và vận hành như thế nào?

– Kể từ khi các tác giả của chúng ta có dịp tiếp cận sâu với nước Mỹ để cất tiếng nói trung thực, sòng phẳng về cuộc chiến tranh đã qua và về dân tộc mình, mọi thứ đã dần thay đổi. Và một cách bền bỉ, trong mấy chục năm qua, những nhà văn của Mỹ và Việt Nam đều đặn vẫn có những chương trình giao lưu, sáng tác, gặp gỡ, trong đó WJ giữ vai trò chính.

Để rồi theo thời gian, khi những cánh cửa đã được mở ra, những người Mỹ – dù là chính khách, cựu binh, học giả, giáo sư, sinh viên – dần bắt đầu có những cái nhìn sâu hơn và đúng hơn về Việt Nam.

Ở đó, văn học luôn giữ vai trò không thể thay thế. Bởi, người ta có thể không tin một bài báo nhưng họ sẽ tin một bài thơ, một truyện ngắn, một tiểu thuyết  – khi trong sáng tác, mỗi nhà văn không giấu được hiện thực và cách nhìn cuộc sống của mình. Và những cuốn sách dịch văn học Việt Nam bắt đầu xuất hiện tại nước Mỹ, rồi được đưa vào giảng dạy tại các trường trung học và đại học.

Khoảng năm 2012, tôi sang Mỹ dự lễ kỉ niệm 30 năm hoạt động của trung tâm WJ. Trong bài phát biểu, tôi có nói rằng trước đây, người Mỹ từng bay qua Thái Bình Dương tới Việt Nam mang theo súng đạn, hận thù và bóng tối của sự thiếu hiểu biết. Để rồi, thật may mắn, vài chục năm sau đó nhiều nhà văn Việt Nam đã có dịp đi những chuyến bay ngược lại, tới Mỹ với những trang văn, trang thơ gửi gắm khát vọng và thông điệp hòa bình của mình.

Nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: Khi các nhà văn "gõ cửa trái tim" - Ảnh 7.

Một đêm thơ của các tác giả Việt Nam và Mỹ, tổ chức tại Hà Nội

* Ông có thể kể về một vài tác phẩm?

– Có khá nhiều, nhưng tôi vẫn ấn tượng nhất với tập thơ hiện đại đầu tiên của các tác giả Việt Nam được xuất bản sau chiến tranh tại Mỹ. Đó là Thơ từ những tài liệu bị bắt giữ (Poems from the Captured documents) do Bruce Weigle dịch, được nhà xuất bản của Đại học Massachusetts in năm 1994.

Tên gọi ấy đến từ một cơ duyên riêng: Trong chiến tranh, phía Mỹ thu được rất nhiều tài liệu như sổ tay, nhật ký, biên bản họp, thư từ… của các chiến sĩ giải phóng và du kích. Khi các tài liệu này được giải mật, phía WJ đã mua lại một  bản sao để nghiên cứu. Phân tích mấy ngàn mét micro, họ nhận ra 2 điểm chung: Hầu hết hình vẽ tay trong các tài liệu này đều gắn với hình ảnh một cánh chim hòa bình bay về mặt trời. Và, rất nhiều văn bản có kèm theo những bài thơ viết tay, tự sáng tác.

Những bài thơ đó không nói về cái chết hay sự thù hận mà tràn ngập tình cảm về quê hương, gia đình, về khát vọng hòa bình. Và giấc mơ lớn nhất từ những tác giả ấy là việc được trở về nhà cày cấy, gieo hạt, lập gia đình sau khi chiến tranh kết thúc, như tổ tiên cha ông họ đã từng trong muôn đời trước.

Tôi có vinh dự được tới Mỹ trong buổi ra mắt tập thơ, và thay mặt những tác giả mà mình không quen biết ấy đọc lên những câu thơ của họ trước cử tọa. Tất cả đều xúc động, và đồng ý với tôi: Đây là hồ sơ chân xác nhất về văn hóa và vẻ đẹp của một dân tộc.

* Xin cám ơn ông về cuôc trò chuyện!

Góp phần xây dựng nhịp cầu hữu nghị

Với những cống hiến không mệt mỏi của hai giáo sư, nhà thơ cựu binh Mỹ trong gần 40 năm qua, ngày 20/9/2024, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm đã ký quyết định số 943/QĐ-CTN tặng Kevin Bowen và Bruce Weigl Huân chương Hữu nghị vì “đã có những đóng góp tích cực trong việc tham gia dịch và quảng bá hiệu quả các tác phẩm văn học Việt Nam; tổ chức giao lưu, kết nối các nhà văn hai nước, góp phần xây dựng nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.

Vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 22/9/2024 (giờ Mỹ ), tức 2 giờ 30 phút ngày 23/9/2024 (giờ Việt Nam) tại New York, trong khuôn khổ sự kiện “Gặp gỡ những người bạn Hoa Kỳ”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trao tặng Huân chương Hữu nghị cho nhà thơ Bruce Weigl. Giáo sư, nhà thơ Kevin Bowen vì lý do cá nhân không kịp đến dự, và sau đó được Ban tổ chức gửi Huân chương Hữu Nghị đến tận tay.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *