Làm gì khi bị người khác hành hung trên đường?

Chuyện không đáng nhưng lại quay qua đánh người

Như Báo Thanh Niên phản ánh loạt bài “văn hóa giao thông“, thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ hành hung, ẩu đả sau va chạm, mâu thuẫn giao thông trên đường. Cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, khởi tố nhiều người có hành vi côn đồ.

Gần đây nhất, Công an Q.1 (TP.HCM) đã khởi tố, tạm giam Quách Minh Nhựt (33 tuổi, ở Q.6) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Cụ thể, Nhựt được xác định là người đã hành hung dã man, gây thương tích cho anh T.T (50 tuổi, ở Q.1) trên đường Cống Quỳnh (đoạn trước Bệnh viện Từ Dũ, Q.1), hôm 14.12.

Tại cơ quan công an, Nhựt khai động cơ hành hung người đi đường sau khi bị nhắc nhở dừng ô tô do thời điểm này, con nhỏ của Nhựt đang bị bệnh, phải chuyển từ Bệnh viện Từ Dũ qua Bệnh viện Nhi đồng 1. Do quá lo lắng cho con, tâm lý bị ảnh hưởng nên Nhựt đã nóng nảy, không kiềm chế được cảm xúc.

Văn hóa giao thông: Làm gì khi bị người khác hành hung trên đường?- Ảnh 1.

Quách Minh Nhựt tại trụ sở công an

Trước đó một ngày, hôm 13.12, Công an Q.4 cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Thanh Khoa (40 tuổi, ở H.Nhà Bè) về tội cố ý gây thương tích. Sáng 9.12, Khoa chạy xe máy trên đường Khánh Hội thì ép xe máy của chị Q.T.A (23 tuổi, ở Q.1) vào lan can giữa đường. Lúc này, Khoa dừng xe rồi đánh liên tục vào đầu, mặt, ngực của chị Q.

Khi bị cơ quan điều tra bắt tạm giam, Khoa nói lý do hành hung nạn nhân sau va quệt giao thông là vì chịu nhiều áp lực cuộc sống từ nhỏ, đến lớn phải nuôi con một mình nên gặp chuyện nhỏ cũng dễ nóng nảy…

Để đảm bảo an toàn, tránh gây căng thẳng đôi bên

Luật sư Đặng Hoài Vũ (Trưởng văn phòng luật Sư Đặng Hoài Vũ và đồng sự) chia sẻ: “Thời gian gần đây có nhiều trường hợp người tham gia giao thông không giữ được bình tĩnh, nên đã có những hành động vi phạm pháp luật như đánh người khác dẫn đến bị xử lý hình sự là điều rất đáng tiếc”.

Theo luật sư Vũ, một trong những nguyên nhân dẫn đến người đi đường thiếu kiểm soát cảm xúc như do bị áp lực về thời gian, trong khi đường lại chật chội, đông đúc, kẹt xe.

Khi tham gia giao thông, nếu xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông cần có thái độ ứng xử văn minh, đúng pháp luật. Các bên phải biết kiềm chế, đặt nguyên tắc hòa giải, thương lượng lên hàng đầu.

Nếu người nào có lỗi thì chủ động xin lỗi, dắt xe, nâng đỡ họ dậy… Còn người bị thiệt hại cũng phải thật bình tĩnh để tìm ra cách giải quyết vấn đề cho ổn thỏa như yêu cầu về mức bồi thường thiệt hại tài sản, sức khỏe.

Còn nếu không thể thương lượng được, không nên gây ra tranh cãi, các bên cần liên lạc với cơ quan có thẩm quyền để tìm hướng xử lý cho phù hợp.

“Nếu chẳng may gặp phải người có tính hung hãn, để tránh rủi ro cho mình và người khác, tốt nhất nên tránh xa họ. Đồng thời âm thầm quay phim, chụp ảnh lại để làm bằng chứng bảo vệ mình khi bị thiệt hại và cung cấp cho cơ quan chức năng xử lý”, luật sư Vũ nói.

Để hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông, mỗi người dân cần phải tuân thủ hiệu lệnh, chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường. Tự giác chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, kể cả khi không có lực lượng tuần tra, kiểm soát. Đặc biệt, khi đã uống rượu, bia thì tuyệt đối không chạy xe.

Ngoài ra, nhà nước cần phải tuyên truyền mạnh mẽ về luật giao thông đường bộ đến người dân và cả học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Để từ đó, người dân dần hình thành văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, biết cách cứu người khi họ gặp nạn.

Đừng để vướng vào lao lý vì chuyện không đáng

Trao đổi với báo Thanh Niên, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích, khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, người dân cần phải tuân thủ quy định pháp luật về an toàn giao thông và phải có văn hóa ứng xử để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Khi phát sinh vấn đề trong quá trình lưu thông, người nào sử dụng vũ lực thì tùy theo hành vi và mức độ nghiêm trọng, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về hành chính, hệ thống giao thông đường bộ được xác định là môi trường công cộng. Do đó, người nào sử dụng bạo lực với người khác ngay trên đường là hành vi gây rối trật tự công cộng, sẽ bị xử lý theo Nghị định 144 năm 2021 của Chính phủ.

Theo đó, hành vi cố ý gây thương tích, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xử phạt từ 5 – 8 triệu đồng (điểm a khoản 5 điều 7 Nghị định số 144).

Về truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp hành vi của người vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy theo vụ việc và mức độ có thể bị truy cứu về các tội danh như: tội đe dọa giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, tội gây rối trật tự công cộng.

Theo đó, khi xảy ra tranh chấp bạo lực trên đường bộ, nhiều trường hợp có bên sử dụng hung khí đe dọa người đi đường, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù đến 7 năm về tội đe dọa giết người tại điều 133 bộ luật Hình sự.

Còn người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% – 30% hoặc dưới 11% thì bị phạt cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù đến 3 năm.

Lưu ý, đối với tỷ lệ tổn thương dưới 11% thì người vi phạm phải thuộc các trường hợp như: dùng hung khí nguy hiểm; dùng a xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ…

Đối với tội gây rối trật tự công cộng tại điều 318 bộ luật Hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5 triệu – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù lên đến 7 năm.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *