Muốn chuyển đổi xanh, bắt buộc phải có ‘đòn bẩy tài chính’
Na Uy không phát minh ra xe điện đất nước này được mệnh danh là “thủ phủ xe điện” của thế giới vì là quốc gia có tỷ lệ xe điện trên đầu người cao nhất thế giới. Theo công ty chuyên về dữ liệu thị trường và người tiêu dùng Statista, vào năm 2020 Na Uy có 81 xe điện/1.000 cư dân. Đến nay, Forbes công bố gần 90% doanh số bán xe mới tại quốc gia này là xe điện.
Điều gì đã giúp Na Uy thành công chuyển đổi xanh thành công?
Từ những năm 1990, Na Uy đã áp dụng hàng loạt chính sách hỗ trợ như: miễn giảm thuế cho chủ sở hữu xe điện, cho phép sử dụng làn đường xe buýt, giảm phí cầu đường… Liên tục nhiều năm, chính phủ nước này đã sử dụng gói các ưu đãi toàn diện hơn, hào phóng hơn và nhất quán hơn nhiều so với nhiều nước.
Bắt đầu từ chi phí mua lại xe cũ. Na Uy không có thuế hoặc giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT) và áp đặt mức thuế carbon hiệu quả cho xe điện. Song song, việc giảm thiểu hoặc xuống bằng 0 đối với các phí đăng ký hàng năm, phí cầu đường và phí đậu xe đã khiến việc sở hữu xe điện trở thành trải nghiệm tốt hơn và rẻ hơn. Những ưu đãi đó đã khiến xe điện trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn nhiều so với các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Bên cạnh đó, chính phủ Na Uy còn xây dựng mạng lưới trạm sạc phủ khắp cả nước, bao gồm cả các khu vực xa xôi, để loại bỏ nỗi lo về “khoảng cách di chuyển”. Điều này đặc biệt quan trọng khi Na Uy có khí hậu lạnh giá và địa hình gồ ghề. Chưa kể, các công ty ô tô cũng góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, biến xe điện thành biểu tượng thời thượng nhờ thiết kế hiện đại, tiện ích thông minh và hiệu suất mạnh mẽ.
Ngoài ra, những người lái xe điện không phải đối mặt nỗi lo về giá xăng cao hơn làm hao hụt ngân sách chi tiêu gia đình, như hầu hết gia đình trên toàn thế giới đang phải trải qua.
So sánh với Mỹ – nền kinh tế hàng đầu thế giới, ông Scott Case, Giám đốc điều hành của công ty khoa học dữ liệu Recurrent, chỉ ra rằng: Mỹ cũng đã thực hiện chính sách ưu đãi với khoản tín dụng thuế xe điện liên bang cùng một số khoản giảm thuế bán xe tại nhiều tiểu bang. Nhưng những khoản cắt giảm đó sẽ hết hạn rất lâu trước khi thị trường xe điện của nước này đạt đến mức bão hòa. Ngược lại, Na Uy vẫn mạnh tay áp dụng những ưu đãi đó ngay cả khi 90% xe ô tô mới bán tại đây là xe điện.
“Điều này cho thấy các nước muốn thúc đẩy quá trình dịch chuyển sang phương tiện giao thông chạy điện cần lưu ý hai điểm. Trước tiên, các chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa để giảm chi phí mua và vận hành xe điện. Tiếp theo, họ nên duy trì những khuyến khích này kể cả khi việc chuyển sang sử dụng xe điện ngày càng tăng” – ông Scott Case nhấn mạnh.
Dẫn thêm ví dụ từ Copenhagen (Đan Mạch), Tokyo (Nhật Bản) và Seoul (Hàn Quốc), thạc sĩ Trần Trọng Tín, (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) nhìn nhận công thức chung để các đô thị lớn với mật độ dân số dày đặc thực hiện việc chuyển đổi giao thông xanh đó là mở rộng, hiện đại hóa phương tiện giao thông công cộng và khuyến khích sử dụng xe điện, xe hybrid. Trong đó, việc khuyến khích sử dụng xe điện và xe hybrid bắt buộc phải đi cùng việc cung cấp ưu đãi thuế hoặc trợ cấp cho việc mua xe điện, xây dựng mạng lưới trạm sạc điện tại nhiều vị trí dễ tiếp cận, kể cả ở các khu dân cư và thương mại trên toàn thành phố.
“Tuy nhiên, cần lưu ý rằng giải pháp này chỉ giảm lượng phát thải trên địa bàn thành phố, không giải quyết được bài toán về tắc đường và việc triển khai cần có nguồn kinh phí rất lớn. Sau khi đạt tỷ lệ nhất định số lượng người sử dụng xe điện và xe hybrid, các thành phố có thể nghiên cứu, lựa chọn những khu vực chỉ cho phép xe điện hoặc xe phát thải thấp tham gia giao thông trong một khoảng thời gian nhất định, đặc biệt là ở các khu vực trung tâm đông đúc, ô nhiễm hơn do phát thải từ phương tiện cá nhân” – ông Trần Trọng Tín nhận định.
TP.HCM có thể thành ‘đô thị xe điện’ đầu tiên của Việt Nam?
Năm 2021, nhóm đơn vị nghiên cứu chính thức khởi động dự án “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á – NDC TIA” do chính phủ Đức tài trợ Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực, khung pháp lý thúc đẩy phát triển giao thông vận tải theo hướng cacbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính.
Sau khi khảo sát thực trạng tại 8 thành phố lớn, dựa vào những cơ hội và thách thức, đơn vị tư vấn đã chọn TP.HCM là địa phương khởi nguồn để triển khai nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển phương tiện giao thông điện. Với mục tiêu hết sức tham vọng trở thành TP đầu tiên của cả nước đạt tỷ lệ 100% giao thông điện vào giai đoạn 2040 – 2050, TP.HCM đã từng bước vạch kế hoạch “loại” xe xăng, phủ xe điện. Sau những nghiên cứu về phân loại vùng phát thải thấp tại Cần Giờ, ban hành kế hoạch chuyển đổi xe buýt sang xe điện, chuẩn bị kiểm soát khí thải xe máy… thành phố đang hướng tới tạo tín chỉ carbon từ việc giảm phát thải trong giao thông, nhờ chuyển đổi sang xe điện và phương tiện công cộng.
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thông tin: Theo Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, thành phố được thí điểm trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Địa phương hưởng 100% nguồn thu từ giao dịch tín chỉ này, dùng chi cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, số và tuần hoàn.
Ba ưu tiên trong kế hoạch tạo tín chỉ carbon giao thông là chuyển đổi xe buýt, xe của lực lượng giao hàng (shipper) sang điện; giảm phát thải nhờ hệ thống đường sắt đô thị (metro) thông qua giảm sử dụng phương tiện cá nhân kết hợp với lắp điện mặt trời trên mái các ga tàu điện.
“Khí thải do ùn tắc giao thông quá kinh khủng, nghe những con số ca tử vong vì bụi mịn mà không dám thở khi ra đường” là nguyên nhân khiến TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 ủng hộ TP.HCM cần sớm xây dựng chương trình riêng để tạo tín chỉ carbon đối với lĩnh vực giao thông.
Theo TS Trần Du Lịch, có 8 giải pháp nhằm thực hiện chương trình này, gồm: phát triển hệ thống metro, giao thông công cộng năng lượng xanh; có chính sách giảm thuế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện; tối ưu hóa giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông; thay thế nhiên liệu cũ bằng CNG, điện; xây dựng hệ thống giao thông thông minh; khuyến khích người dân đi xe đạp, đi bộ bằng cách xây dựng làn đường riêng; ban hành chính sách quy định nghiêm ngặt đối với ô tô cá nhân và giáo dục ý thức cộng đồng.
“Một vấn đề quan trọng khác là giáo dục cộng đồng, nâng cao ý thức người dân ngay từ trẻ em, từ mẫu giáo, từ trường học… cần xem việc sử dụng phương tiện xanh sạch, phương tiện công cộng là 1 thói quen. Trong quy hoạch phát triển thành phố cũng cần tạo điều kiện để người dân đi bộ, đi xe đạp. Thành phố cần 1 đề án tổng thể như vậy và đặt mục tiêu đến 2030 đạt được gì, 2035 đạt được gì. Dĩ nhiên các ngành khác cũng phải chuyển đổi nhưng cần ưu tiên cho lĩnh vực giao thông” – TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.