Lắng nghe, chia sẻ với trẻ em nhiều hơn

Sáng 29.9, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các bộ, ban, ngành liên quan tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2 năm 2024. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan cùng tham dự.

Nhiều câu hỏi “nóng” về bạo lực học đường và thuốc lá điện tử

Khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội trẻ em Lê Gia Vinh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội trẻ em quyết định lựa chọn 2 nhóm vấn đề là “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường” để chất vấn.

Lắng nghe, chia sẻ với trẻ em nhiều hơn- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Phạm Duy Trang cùng các quan khách chụp ảnh kỷ niệm với các đại biểu trẻ em

Theo đó, phiên chất vấn được “làm nóng” bằng rất nhiều câu hỏi về bạo lực học đường được gửi tới Bộ trưởng GD-ĐT giả định Trần Bình Minh, cũng như các tranh luận sau đó khi các đại biểu trẻ em cho rằng bộ trưởng chưa đánh giá đúng mức về tác động của tâm sinh lý đến bạo lực học đường, đồng thời đề nghị bộ trưởng phân tích sâu hơn về nguyên nhân cũng như có giải pháp tương xứng.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giả định, ngành GD-ĐT rất quan tâm và phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để có những giải pháp hỗ trợ học sinh về tâm lý học đường, tuy nhiên việc này chưa được triển khai rộng rãi. “Chúng tôi thấy rằng đây cũng là điểm hạn chế, cho nên trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để tăng cường triển khai và giải quyết kịp thời hơn những vấn đề tâm lý phát sinh của học sinh”, Bộ trưởng giả định Trần Bình Minh nói.

Lắng nghe, chia sẻ với trẻ em nhiều hơn- Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em

Cho rằng nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường là do một phần tác động tiêu cực của các sản phẩm độc hại trên không gian mạng, các đại biểu trẻ em chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT giả định Trần Lê Hà Vy về việc này và đề nghị Bộ trưởng giả định cho biết đã thực hiện những giải pháp gì để ngăn chặn.

Cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội trẻ em chất vấn Bộ trưởng Y tế giả định Nguyễn Ngọc Mai An về nguyên nhân và giải pháp tình trạng trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng gia tăng, có cả trường hợp sử dụng thuốc lá điện tử chứa chất kích thích và chất cấm.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Y tế giả định Nguyễn Ngọc Mai An khẳng định thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng và thuốc lá nói chung hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe con người, đặc biệt là với trẻ em. Cho nên việc sử dụng thuốc lá điện tử phổ biến trong học sinh là xu hướng không tốt, cần phải có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu. Bộ trưởng Y tế giả định đề nghị ngành giáo dục phối hợp để quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc lá điện tử trong trường học; đề nghị gia đình có sự quan tâm sát sao tới con em mình, nhất là quản lý tiền bạc và thời gian rảnh rỗi của trẻ em trong độ tuổi học sinh.

Bộ trưởng Y tế giả định cũng đề nghị các cơ quan quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc nhập lậu, kinh doanh trái phép thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó có tình trạng kinh doanh các mặt hàng này ở cổng các trường phổ thông. Bộ trưởng Y tế giả định thông tin Bộ Y tế đã gửi các báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để trình bày về thực trạng và tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, những kinh nghiệm quốc tế, đồng thời đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo những sản phẩm này tại VN.

Lắng nghe, chia sẻ với trẻ em nhiều hơn- Ảnh 3.

Các bộ trưởng trẻ em trả lời phiên chất vấn tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em

Lắng nghe, chia sẻ với trẻ em nhiều hơn- Ảnh 4.

Đại biểu tham gia phiên chất vấn tại Quốc hội trẻ em

Đề xuất, kiến nghị giải pháp rất xác đáng

Phát biểu tại phiên họp giả định, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh, đánh giá cao T.Ư Đoàn và Hội đồng Đội T.Ư đã có sáng kiến tổ chức Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em với mong muốn thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị – xã hội; khơi dậy trong trẻ em khát vọng cống hiến, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi tri thức để trở thành công dân có trách nhiệm, vừa có đức vừa có tài, có ước mơ, hoài bão lập nghiệp trong tương lai và đóng góp thật nhiều cho sự phát triển của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội cho biết sau phiên họp thứ nhất năm 2023, một số kiến nghị của trẻ em đã được các bộ, ngành quan tâm tổ chức thực hiện. Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều trăn trở khi trẻ em ở một số nơi còn gặp khó khăn trong tiếp cận những dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng; trẻ em bị bạo lực, bạo hành, xâm hại, tai nạn, thương tích còn xảy ra. Tình trạng bạo lực học đường, các loại thuốc lá thế hệ mới và chất kích thích đã và đang tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em. Vì vậy, Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ hai đã lựa chọn hai chủ đề này là rất thiết thực, được dư luận xã hội quan tâm.

“Tôi rất ấn tượng về sự thể hiện của các cháu hôm nay, dù nhỏ tuổi nhưng các cháu đã rất chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu, phát biểu mạch lạc, phong thái tự tin, chững chạc. Nhiều câu hỏi đề xuất, kiến nghị giải pháp rất xác đáng; Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành, đoàn thể sẽ nghiên cứu trong quá trình soạn thảo, ban hành chính sách, pháp luật, giải quyết các vấn đề có liên quan tới trẻ em”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư quan tâm, thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm. Trong đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Rà soát để hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường; phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đặc biệt là giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu trẻ em đã nêu ra.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đội ngũ thầy giáo, cô giáo, các em học sinh trong cả nước thực hiện thật tốt lời căn dặn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong Thư gửi ngành giáo dục nhân dịp năm học mới. “Các bậc phụ huynh học sinh cần quan tâm, lắng nghe, chia sẻ với trẻ em nhiều hơn, để trẻ em thực sự hạnh phúc, an vui trong chính ngôi nhà của mình. Các thầy cô giáo tạo điều kiện, tạo môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, để các em mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Lãnh đạo Quốc hội cũng đề nghị T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư và các cấp Đoàn, Đội, cần tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức nhiều chương trình, hoạt động chăm lo, hỗ trợ trẻ em và phát huy quyền tham gia của trẻ em trong đời sống xã hội. 

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo, giao nhiệm vụ của Chủ tịch Quốc hội, anh Bùi Quang Huy (Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn) cho biết Ban Bí thư T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư sẽ tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành có liên quan triển khai hiệu quả, thực chất các đề xuất, kiến nghị của trẻ em tại phiên họp. “Trong thời gian tới, T.Ư Đoàn sẽ nhân rộng, triển khai hiệu quả hơn nữa mô hình “Hội đồng trẻ em”, tổ chức tốt Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em và các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; các hoạt động thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói của trẻ em mà luật Trẻ em đã quy định”, anh Huy nhấn mạnh.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *