Tối 9/11, Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 đã bế mạc.
Theo Ban tổ chức, Liên hoan năm nay là dịp quảng bá, nâng cao giá trị văn hóa nghệ thuật Thủ đô, góp phần giáo dục, phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang ngàn năm văn hiến của Hà Nội trong suốt chặng đường đấu tranh, xây dựng và phát triển. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, định hướng sáng tạo nhiều tác phẩm sân khấu chất lượng cao phục vụ nhân dân Thủ đô và khán giả cả nước.
Phát biểu bế mạc Liên hoan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài nhấn mạnh: 12 tác phẩm sân khấu tham dự Liên hoan thuộc các loại hình nghệ thuật chèo, tuồng, cải lương, kịch nói, múa rối… đã được các đơn vị đầu tư nghiêm túc về kịch bản, dàn dựng công phu và nhiều sáng tạo độc đáo, có chất lượng nghệ thuật cao. Liên hoan đã khép lại với sự thành công hơn mong đợi. Đây là sự tiếp nối thành công của các kỳ Liên hoan trước, có nhiều điểm mới và sáng tạo. Sự tham gia nhiệt tình của các đoàn nghệ thuật, sự hưởng ứng nhiệt thành của khán giả đã góp phần làm cho sức sống nghệ thuật sân khấu được lan tỏa tích cực, góp phần tạo nên không khí sôi động, kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) một trong những mốc son vẻ vang của dân tộc.
Chủ tịch Hội đồng giám khảo Hà Đình Cẩn cho rằng: Liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng đã khép màn, để lại dư âm là một liên hoan thành công với chùm 12 vở diễn, 12 “trái cam ngọt” với cả khán giả và nghệ sỹ. Những tác phẩm “Hồ Xuân Hương”, “Lý Thường Kiệt”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, “Hoàng đế cờ lau”, “Thiếu phụ Nam Xương” hay các cô gái Hà Nội hát ả đào và kẻ sĩ Hà Nội tham gia vào cuộc kháng chiến rồi tiếp quản Thủ đô, xây dựng Thủ đô… sẽ còn sống lâu dài với khán giả.
“Chúng ta vui mừng thấy ở Liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng là đội ngũ nghệ sỹ gạo cội vẫn còn đó, còn yêu nghề, còn sống chết với nghề và có sự kế tiếp là các nghệ sỹ trẻ tài năng. Chúng ta thấy những người trẻ làm sân khấu hôm nay đang đổi mới, từ mỹ thuật sân khấu đến lối trình diễn nhưng không xa lạ mà được công chúng đón nhận, công chúng hòa đồng, đó là thước đo chuẩn mực của thành công của Liên hoan”, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Hà Đình Cẩn nhấn mạnh.
Ban Tổ chức đã trao 3 Huy chương Vàng cho 3 vở diễn xuất sắc gồm: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của Nhà hát Chèo Quân đội; “Khoảng trống” của Nhà hát Kịch Hà Nội; “Hoàng Đế cờ lau” của Nhà hát Múa rối Thăng Long.
4 vở diễn được trao Huy chương Bạc gồm: “Hồ Xuân Hương” của Đoàn Chèo Hải Phòng; “Thiếu phụ Nam Xương” của Nhà hát Tuồng Việt Nam; “Người hát ả đào” của Nhà hát Chèo Hà Nội; “Lý Thường Kiệt” của Nhà hát Cải lương Hà Nội.
Ngoài ra, Ban tổ chức trao 27 Huy chương Vàng, 35 Huy chương Bạc cho các diễn viên xuất sắc và 13 giải thưởng cho đạo diễn, tác giả kịch bản, chuyển thể, biên đạo múa, nhạc sỹ, họa sỹ, tạo hình con rối, ánh sáng, dàn nhạc, chỉ huy dàn nhạc, nhạc công xuất sắc.