‘Lương theo thang bậc thì không bao giờ có được người tài’

Thảo luận tại hội trường chiều 29.11 về luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đồng tình cho rằng, việc thu gọn đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là một bước tiến lớn.

Bộ trưởng Tài chính: 'Lương theo thang bậc thì không bao giờ có được người tài'- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Điều này sẽ giúp thực hiện tốt hơn nguyên tắc phân cấp, phân quyền, phân định rõ vai trò chủ sở hữu đầu tư vốn với hoạt động quản trị, điều hành của người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Hạn chế tối đa việc can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm doanh nghiệp hoạt động theo các nguyên tắc và quy luật thị trường.

Đồng thời, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, nhất là chi phí về thời gian xử lý công việc kéo dài, làm lỡ nhiều cơ hội kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng băn khoăn về vai trò của cơ quan chủ sở hữu vốn Nhà nước, như Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, vẫn đang mang nặng tính hành chính. Theo ông, cần xác định rõ đây là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành chính hay một dạng quỹ đầu tư của Chính phủ để từ đó xác định quyền và trách nhiệm cho phù hợp và hiệu quả. Đặc biệt cần hợp nhất các cơ quan này về một đầu mối, tránh phân tán trong quản lý.

Với xu hướng tiếp tục thoái vốn Nhà nước hiện nay, cần có các quy định về thẩm quyền, cách thức quản lý đối với nhóm các doanh nghiệp lớn, giữ vai trò chủ đạo, doanh nghiệp về quản lý hạ tầng quan trọng quốc gia.

Lý do là hiện các quy định như nhau, trong khi các doanh nghiệp nhà nước rất khác nhau, nhất là về quy mô vốn và trình độ về khoa học công nghệ. Có doanh nghiệp vốn và tài sản chỉ khoảng 5.000 tỉ, trong khi có doanh nghiệp lên đến 700.000 – 800.000 tỉ đồng.

Chấm dứt can thiệp mệnh lệnh hành chính vào doanh nghiệp

Giải trình cuối phiên thảo luận, tân Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay, việc ban hành luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Nhà nước thực sự là nhà đầu tư, chủ sở hữu bình đẳng, quyền và trách nhiệm với các nhà đầu tư khác là theo thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng Tài chính: 'Lương theo thang bậc thì không bao giờ có được người tài'- Ảnh 2.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Theo đó, cần chấm dứt can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào đầu tư kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường.

Với đề nghị mở rộng đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước từ 50% trở xuống, ông Thắng nói sẽ nghiên cứu tiếp thu để báo cáo Chính phủ, bổ sung vào dự thảo cho phù hợp. Đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng sẽ nghiên cứu quy định về chiến lược, kế hoạch phát triển, tránh việc tạo ra rào cản cho doanh nghiệp.

Về phân phối lợi nhuận, tân Bộ trưởng cho rằng cần thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng các cổ đông tham gia, không để cao quá, sẽ không phù hợp.

Bên cạnh đó, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả kinh doanh cũng như việc bảo toàn, phát triển của doanh nghiệp. Do đó, cần có cơ chế quản lý đánh giá, gắn với chế độ đãi ngộ phù hợp.

“Nếu đưa ra cơ chế khắt khe, người đại diện vốn rất vất vả nhưng tiền lương thưởng theo thang bậc thì không bao giờ có người tài. Mà người tài thì họ cũng không làm hết khả năng”, ông Thắng nói.

Lý do theo Bộ trưởng Tài chính, với doanh nghiệp bên ngoài có thể trả lương gấp 5 – 10 lần, nhưng người đại diện vốn Nhà nước được trả rất thấp. Vì vậy, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì đánh giá hiệu quả dựa vào các chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu… cũng cần rõ ràng.

“Nếu làm tốt thì lương thưởng thế nào, nếu vượt lợi nhuận đặt ra thì mức lương thưởng có tăng lên hay không. Nếu không làm tốt thì mức độ nào cảnh báo, sa thải… thì mới sòng phẳng”, Bộ trưởng Thắng nêu.

Mặt khác, theo ông Thắng, người đại diện vốn cũng cần đủ thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo. Nếu đã chấp nhận như doanh nghiệp tư nhân thì phải có cơ chế, nhất là chế độ lương thưởng của người đại diện vốn.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *