Mã độc tống tiền gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp

Fourlis Group, đơn vị quản lý vận hành các cửa hàng thương hiệu IKEA tại Hy Lạp, đảo Cyrus, Romania và Bulgaria xác nhận bị tấn công bởi loại mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware). Theo ước tính tổn hại gây ra bởi đợt tấn công từ mã độc này là 22,8 triệu USD.

Mã độc tống tiền gây ra nhiều thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ransomware đang là nỗi lo lớn của nhiều doanh nghiệp

Fourlis Group bị tấn công trước đợt Black Friday 2024, đến tháng 12.2024, doanh nghiệp này phát hành thông cáo về việc ngưng trệ kỹ thuật các cửa hàng online IKEA là do ‘tấn công ác ý từ bên ngoài’. Trong chia sẻ vào tháng 2.2025, CEO Fourlis Group Dimitris Valachis cho biết thiệt hại ước tính gây ra bởi mã độc ransomware kéo dài từ tháng 12.2024 là 15 triệu euro và tới 2025 là 5 triệu euro (tương đương 22,8 triệu USD).

Fourlis còn quản lý vận hành các thương hiệu lớn khác như Intersport, Foot Locker, hay cửa hàng Holland & Barrett, tuy nhiên, đợt tấn công nhắm chủ yếu vào IKEA – thương hiệu đồ gia dụng – nội thất nổi tiếng và phổ biến toàn cầu.

Cùng hoàn cảnh, công ty công nghệ Sensata Tecnologies (Sensata) cũng bị ransomware tấn công vào đầu tháng 4, mã hóa dữ liệu khiến mạng lưới công ty và các hoạt động bị ngừng trệ. Báo cáo được Sensata gửi đến Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ cho biết các hoạt động gửi, nhận hay quản lý sản xuất đều bị ảnh hưởng.

Sensata Technologies là một công ty công nghệ công nghiệp chuyên phát triển, sản xuất và bán nhiều loại cảm biến và giải pháp giàu cảm biến, cũng như các hệ thống và linh kiện bảo vệ điện. Doanh thu thường niên của Sensata đạt tới 4 tỉ USD (năm 2023).

Doanh nghiệp Việt là mục tiêu kiếm tiền của ransomware

Các mã độc họ ransomware đã ‘du nhập’ vào Việt Nam trong các năm qua và ngày càng gia tăng tấn công cả cá nhân và doanh nghiệp.

Mã độc tống tiền gây ra nhiều thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cũng là nạn nhân của mã độc tống tiền

Nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã trở thành nạn nhân của ransomware như PVOIL, Vietnam Post hay VnDirect gây ra thiệt hại lớn. Mới nhất là Tập đoàn công nghệ CMC cũng vào danh sách nạn nhân.

Có 14,59% trong 5.000 cơ quan tổ chức, doanh nghiệp tham gia khảo sát năm 2024 cho biết từng bị tấn công bằng mã độc ransomware, theo báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia.

“Chúng tôi ghi nhận 29.282 vụ tấn công mã độc tống tiền nhằm vào doanh nghiệp Việt trong năm 2024”, ông Adrian Hia, Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Kaspersky cho biết. Theo đó, trung bình mỗi ngày xảy ra 80 vụ tấn công bằng mã độc ransomware tại Việt Nam.

“Lỗi từ người sử dụng luôn là điểm yếu mấu chốt để tin tặc khai thác đưa mã độc ransomware thâm nhập vào mạng lưới doanh nghiệp. Bảo vệ với các chính sách quản lý tập trung là chưa đủ, các nhân viên cần được đào tạo thường xuyên để nhận biết các nguy cơ gây hại từ những thói quen sử dụng mạng công ty”, ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc NTS Security cho biết.

“Các doanh nghiệp quy mô nhỏ như hộ kinh doanh gia đình, công ty số lượng nhân sự nhỏ hơn 10 thường không chú trọng vào giải pháp bảo mật thông tin cũng như không có nhân sự chuyên trách IT bảo mật là mục tiêu béo bở cho ransomware. Dữ liệu kinh doanh, thông tin hợp đồng và các dữ liệu nhạy cảm khác có thể bị mã độc chiếm giữ và đòi tiền chuộc”.

Doanh nghiệp nhỏ nên phòng tránh ransomware

Theo ông Ngô Trần Vũ, doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh gia đình có thể áp dụng một số phương thức sau để phòng tránh mã độc ransomware.

  • Sử dụng các giải pháp bảo vệ toàn diện như Kaspersky Plus, giảm thiểu tối đa rủi ro các nguy cơ từ mã độc, lừa đảo trên mạng (phishing) cho đến khai thác các lỗ hổng từ phần mềm cài trên máy tính (Windows/Mac).
  • Không sử dụng các phần mềm bản lậu hay phần mềm bẻ khóa (crack). Mã độc có thể được tin tặc nhúng sẵn trong file cài đặt.
  • Thường xuyên sao lưu dữ liệu quan trọng ra thành các phiên bản và lưu dữ liệu ra ổ cứng gắn ngoài cũng như lưu trên ‘đám mây’.
  • Thường xuyên quét mã độc bằng phần mềm bảo mật. Luôn quét các tập tin khi tải xuống từ internet (email, các trình tin nhắn như Messenger, Telegram, Zalo…).
  • Thường xuyên cập nhật bản vá lỗi mới nhất của Windows, Microsoft Office cũng như các phần mềm thông dụng có cài đặt trên thiết bị như WinRAR.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *