Tôi có một người bạn nữ, chồng con đề huề, hiện cả gia đình đang sống và làm việc ổn định ở TP.HCM. Rồi vài ngày trước, vào mạng xã hội, bỗng thấy cô đùng đùng đang chụp hình khoe mình đi concert Anh trai say hi ở Hà Nội.
Mà chuyện đi nghe cũng chóng vánh. Cô thức dậy sớm, bay chuyến sáng từ TP.HCM ra Hà Nội để tối hôm đó coi chương trình này. Rồi sau buổi ca nhạc, vào hôm sau, cô lại có chuyến bay về TP.HCM để có thể đi làm bình thường vào sáng thứ 2.
Quả thật, với show Anh trai say hi, khó có gì mãnh liệt bằng sức mạnh của người hâm mộ.
Và hẳn nhiều người cũng như tôi: Dù không đến xem trực tiếp, nhưng đọc những tin tức báo chí tường thuật lại buổi concert này, chúng ta cũng đủ thấy sức hút của các nghệ sĩ tham gia biểu diễn trong chương trình.
Hà Nội đang vào Đông với nhiệt độ không phải lúc nào cũng hợp với đa phần các khángiả phương Nam như cô bạn tôi. Nhưng rất nhiều người trong số họ đã cùng có mặt tại Hà Nội, hòa vào hàng chục ngàn khán giả đứng xem buổi biểu diễn ngoài trời, cùng hát, cùng cổ vũ cho nghệ sĩ trên sân khấu.
Trước đó, việc “săn vé” đã là chủ đề bàn tán sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội. Vào đêm thứ 3 của buổi concert (diễn ra ngày 9/12) nhiều khán giả đã xếp hàng từ sáng sớm để được vào trong Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, địa điểm diễn ra đêm chương trình.
Sức hút của những đêm nhạc này đến từ chương trình truyền hình thực tế cùng tên trước đó. Đồng thời, nó cho thấy chúng ta đang có một thế hệ khán giả có khả năng và có nhu cầu được thưởng thức các màn trình diễn của một thế hệ nghệ sĩ giải trí mới với những buổi hòa nhạc hoành tráng được đầu tư bài bản, hình thành một cộng đồng người hâm mộ âm nhạc Việt Nam.
Nhiều khán giả nói vui, chúng ta đang có một lứa “idol (thần tượng) quốc nội”. Nếu trước đây, nhắc đến từ lóng “đu idol” chúng ta thường nghĩ tới các thần tượng, nghệ sĩ nước ngoài (mà phần nhiều là nghệ sĩ Hàn Quốc). Còn hiện tại, ta phần nào cũng có thể kỳ vọng vào tương lai của một nền công nghiệp giải trí từ những người làm nghệ thuật Việt Nam.
Hiện tượng những đêm nhạc Anh trai say hi trước mắt có thể xem là tín hiệu đáng mừng của làng giải trí Việt Nam. Nó cho thấy nghệ sĩ của chúng đang dần bắt nhịp được với nhu cầu giải trí, cũng như gu thẩm mỹ của khán giả trong nước. Tất nhiên, để từ hiện tượng tạo thành một “làn sóng” thì vẫn cần những kế hoạch dài hơi, chi tiết, có chiến lược cụ thể. Điều này phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam mà vài năm trở lại đây chúng ta thường bàn tới.
Còn một điều phải nói thêm, trong số các “anh trai” của chương trình, một ca sĩ trẻ có lượng người hâm mộ nước ngoài khá ổn. Tuy đây chỉ mới là hiện tượng đơn lẻ, nhưng nhìn từ góc độ giải trí, với khả năng tiếp cận nhanh chóng nhờ công nghệ thông tin như hiện nay, chúng ta vẫn có thể lấy đó là mục tiêu xuất khẩu sản phẩm giải trí của Việt Nam ra quốc tế.
Dĩ nhiên, dù nghĩ theo hướng lạc quan, chúng ta vẫn biết rằng điều đó không dễ thực hiện. Nhưng hãy hy vọng rằng trong tương lai, khán giả Việt Nam có cơ hội được tận hưởng nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng của nghệ sĩ Việt Nam. Và càng có thêm nhiều đêm nhạc “chiến thắng trên sân nhà” như những đêm nhạc ta vừa chứng kiến.