Đó là thông tin chia sẻ từ đại tá Nguyễn Hữu Sơn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) tại diễn đàn: Bộ Công thương chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển, do Báo Công thương tổ chức sáng 23.12, tại Hà Nội.
Đại tá Nguyễn Hữu Sơn cho biết, từ thực tế điều tra các vụ án liên quan đến đầu tư công, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế trọng điểm trong thời gian qua, tình trạng lãng phí ngân sách nhà nước, nguồn lực của nhân dân còn hiện diện ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Trong đó, lĩnh vực đầu tiên được đại tá Nguyễn Hữu Sơn “điểm danh” là lãng phí trong quản lý tài chính, ngân sách với các biểu hiện phổ biến: mua sắm thiết bị và vật tư không cần thiết, vượt quá nhu cầu; thực hiện các khoản chi tiêu vượt mức cần thiết, không mang lại hiệu quả…
“Qua rà soát bước đầu, số tiền lãng phí thuộc dạng này lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm và diễn ra ở hầu hết các ngành, các cấp”, đại tá Sơn nói.
Sau quản lý tài chính, ngân sách, lãng phí trong công tác quản lý tài nguyên, đất đai, các loại khoáng sản diễn ra phổ biến ở nhiều tỉnh, thành trên phạm vi cả nước. Sự lãng phí này xuất phát từ sai phạm về trình tự, thủ tục trong lập quy hoạch, thiết kế, cấp phép trong khai thác tài nguyên, khoáng sản; liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất; chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định, gây lãng phí tài nguyên đất.
Qua rà soát bước đầu của Bộ Công an, cả nước có khoảng 400 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là 18.308 ha.
Đại tá Nguyễn Hữu Sơn nhấn mạnh, công tác đầu tư, xây dựng cũng là một lĩnh vực gây thất thoát, lãng phí lớn cho ngân sách. Trong đó điển hình là Dự án Kè chống ngập tại TP.HCM vốn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng, để kéo hàng chục năm, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống người dân, gây bức xúc dư luận xã hội…
Tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, kiến nghị cần quy định đầy đủ gắn trách nhiệm về quản lý sai phạm đối với người đứng đầu đơn vị, tổ chức; xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí.
Tái cấu trúc bộ máy để tiết kiệm, chống lãng phí
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, một trong những lĩnh vực Bộ Công thương góp phần trong công tác tiết kiệm, chống lãng phí nguồn lực nhà nước và xã hội là xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách.
Trong thời gian qua, hàng loạt luật, nghị định, thông tư được Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp; tái khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo… giúp khai thông các điểm nghẽn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
Ngoài ra, Bộ Công thương đã chủ động, quyết liệt tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh, gọn từ bên trong, đề xuất giảm 18% số đầu mối đơn vị thuộc bộ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động để tiết kiệm ngân sách, chống lãng phí.