Cách đây đã trên 30 năm, các nhà khảo cổ học thuộc tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đã phát hiện một ngôi mộ quý tộc thời Chiến Quốc, thế kỷ 4 – 5 trước Công nguyên và rất sửng sốt với một hiện vật lạ chưa từng thấy trước đó trong khảo cổ học nước này. Đó là một chiếc trống đồng nhỏ rộng khoảng 12cm, cao chừng 7cm – 8 cm, trên mặt trống, chính giữa mặt trời nhiều cánh, có một quai treo.
1. Nhiều nhà khảo cổ Trung Quốc từng nghĩ đó là một hiện vật đến từ phía Nam, nơi nền văn hóa Đông Sơn tồn tại, do giao lưu văn hóa mà trở thành tùy táng của một qúy tộc Chiến Quốc vùng phía Nam sông Dương Tử, không xa Động Đình hồ là bao!
Ở Việt Nam đã ghi nhận phát hiện được khá nhiều loại hiện vật này. Thực chất đây là một dạng chuông dáng trống độc đáo của văn hóa Đông Sơn, tồn tại khá phổ biến từ giai đoạn sớm đến khi nền văn hóa Đông Sơn đạt đỉnh thịnh vượng nhất. Thoạt đầu, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là đồ minh khí (miniature). Cho đến tận 1999, sau khi Viện Khảo cổ học xuất bản loạt sách Trống đồng Đông Sơn (1990),Văn hóa Đông Sơn (1994) và Khảo cổ học Việt Nam, tập II: Thời đại kim khí Việt Nam, chúng vẫn được xếp vào loại hình “trống minh khí” (miniature drum).
Thực ra trống đồng đúc dưới dạng minh khí như một đồ “vàng mã” chôn theo người chết xuất hiện khá muộn, khoảng thế kỷ 1 – 2 sau Công nguyên – giai đoạn Đông Sơn Giao Chỉ. Cùng với trống minh khí còn các đồ Đông Sơn khác cũng được làm “hàng mã” như vậy, như thạp, vò chậu hoa, rìu, giáo… Những đồ minh khí đúc ra không có tính sử dụng mà chỉ là đồ mô phỏng (hàng mã) phục vụ chôn cất người chết mà thôi. Những đồ đồng này thường khá nhỏ và còn nguyên lỗi khuôn đúc, ít trang trí hoa văn đẹp.
Một số nhà nghiên cứu Việt Nam dần phân tách được trong số các trống đồng nhỏ những chiếc chuông hình trống. Tôi là một trong số đó, khi từ cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, nhờ tiếp xúc trực tiếp với những chuông dáng trống như vậy, đã đề xuất một loại hình hiện vật Đông Sơn: Chuông dáng trống (drum shaped bell). Nhiều công trình tôi đã công bố trong và ngoài nước nhằm xác nhận chuông hình trống như một dạng hình hiện vật riêng biệt và độc đáo của văn hóa Đông Sơn đã được nhiều học giả đồng tình.
Đáng tiếc cho đến tận hôm nay, sau 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, nhiều bảo tàng trong nước vẫn nhầm lẫn chúng – giữa đồ hàng mã tùy táng và đồ thực dụng. Đó cũng là một lý do thôi thúc tôi dành riêng một buổi “rì rầm” hôm nay để kể ngọn ngành điều nhầm lẫn đó.
“Trống đồng đúc dưới dạng minh khí như một đồ “vàng mã” chôn theo người chết xuất hiện khá muộn, khoảng thế kỷ 1 – 2 sau Công nguyên” – TS Nguyễn Việt.
2. Vào khoảng năm 2016 – 2017, tôi nhận được một email của một giáo sư trẻ của Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc về những chiếc chuông hình trống này. Khi đó, vị giáo sư trẻ đã từng sang Việt Nam trao đổi học thuật với tôi, đang lật lại từng hiện vật Đông Sơn từ các mộ táng Chiến Quốc, Tần – Hán bên Trung Quốc. Anh hỏi tôi hiện vật phát hiện trong mộ Chiến Quốc ở Hồ Nam là đồ thực dụng hay đồ vàng mã? Tôi khẳng định đó là hiện vật chuông dáng trống và chuyển cho anh hàng loạt chuông dáng trống phát hiện ở Việt Nam mà tôi đã tập hợp được.
Anh đã công bố hiện vật này như một minh chứng cho mối giao lưu văn hóa khá sớm giữa văn hóa Đông Sơn với văn hóa Trung Nguyên. Cho đến nay số tiêu bản chuông dáng trống tôi ghi nhận đã phát hiện ở Việt Nam khoảng trên dưới 50 chiếc, trong đó những chuông dáng trống khai quật ở Làng Vạc, Châu Can, Phú Lương, Trung Mầu… là chỗ dựa đáng tin nhất.
Mở đầu, tôi muốn chúng ta hãy cùng quan sát những chuông dáng trống phát hiện năm 1981 trong một ngôi mộ ở Làng Vạc – một địa điểm phát hiện nhiều đại diện của bộ gõ Đông Sơn như chuông, trống, lục lạc… vào loại nhất Việt Nam hiện nay. Chiếc trống chuông này chỉ cao 6cm, rộng 9cm, được chế tác rất nuột nà và trang trí hình thú xen những đường vạch thẳng. Chuông có dáng trống lùn điển hình với những chiếc quai trên thân và đặc biệt là một quai đúc liền chính giữa mặt trống.
Ở chiếc chuông này, cũng như nhiều chuông hình trống khác, có thể nhận ra vết mòn bóng lẹm ở phần quai treo chuông. Cọ sát của dây buộc khi chuông lúc lắc đã tạo ra các vết mòn rất rõ đó. Thậm chí một vài trường hợp, quai bị mòn vát và đứt rời. Đa phần chuông loại này không có quả lắc ở bên trong. Cho đến nay, quan sát khoảng 50 tiêu bản, tôi mới nhận thấy 2 chiếc có dấu vết móc treo quả lắc bên trong. Còn lại chuông được thỉnh tạo âm bằng cách gõ từ bên ngoài ở phần xòe chân trống.
Những chiếc chuông tạo hình dáng trống này đều nhỏ, cho dù một số được trang trí rất cầu kỳ. Chiếc lớn nhất hiện biết cao khoảng 18cm rộng 20cm. Còn lại phổ biến trong khoảng 10 – 12 cm chiều rộng và 6 – 8cm chiều cao. Một số chuông có đúc hình 3 – 4 tượng ếch trên mặt trống, hướng đầu ra ngoài, chính giữa vẫn là mặt trời nhiều cánh lan tỏa với quai móc ở đó. Một chuông dáng trống thuộc sưu tập Barbier-Mueler (Geneva, Thụy Sĩ) có hình mặt trời nhiều cánh ở phần mặt trống, ngoài ra lại có hình một ngôi nhà rất hiếm hoi trên thân dưới phần tang trống.
Chiếc chuông trong sưu tập CQK lại hết sức độc đáo ở chỗ: Thay vì trống chuông được treo như các trống khác thì trống này có bốn tượng cóc với những vết mòn chứng tỏ nó được đặt ngửa như một cái cốc. Hoa văn trên thân cũng được thợ đúc tạo theo tư thế nằm ngửa đó. Trong trường hợp này, chuông được thỉnh vang như dạng chuông chùa đặt cạnh mõ bên các bàn niệm Phật của thầy chùa hiện nay.
Phần “rì rầm” về chuông dáng trống như một dụng cụ tạo âm thuộc bộ gõ bằng kim loại thời Đông Sơn sẽ tạm dừng ở đây. Trong các phần sau chúng ta sẽ khảo sát các bằng chứng tạo âm liên quan đến bộ hơi Đông Sơn, như tù và, khèn, sáo, tiêu… Hẹn gặp lại độc giả một tuần sau nữa.
Gắn với nghi lễ shaman?
Chuông tạo hình dáng trống có lẽ không phải nhạc cụ thông thường mà là một dụng cụ gõ tạo âm độc đáo gắn với nghi lễ shaman (cầu cúng thần linh). Việc phát hiện chúng trong những khu mộ có niên đại Đông Sơn sớm và điển hình (Hồ Nam, Châu Can, Làng Vạc, Phú Lương…) đã cho phép chúng ta xếp chúng vào loại hình bộ gõ kim loại xuất hiện sớm và điển hình của văn hóa Đông Sơn, khác xa với những trống minh khí được chế ra sau vài ba thế kỷ đáp ứng với táng tục ở vào thời kỳ xuất hiện nạn đào mộ trộm của những thế kỷ đầu sau Công nguyên.
(Còn tiếp)