Những ‘ông chủ trẻ’ xứ Tuyên

Từ thợ sửa xe đến ông chủ trại chim bồ câu

Với những người chăn nuôi ở thôn Phú Thị, xã Chi Thiết, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, cái tên Trịnh Công Quyết đã trở nên quen thuộc. Nhờ chịu khó tìm tòi, anh Quyết đang nắm trong tay nhiều bí quyết nuôi chim bồ câu và trở thành người tiên phong phát triển mô hình nuôi chim thương phẩm và sinh sản ở địa phương.

Những 'ông chủ trẻ' xứ Tuyên- Ảnh 1.

Anh Trịnh Công Quyết (bìa trái) giới thiệu mô hình nuôi chim bồ câu

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân thuần túy, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Quyết rời quê xuống Hà Nội, Hải Phòng làm nghề sửa xe. Sau một thời gian, anh trở lại quê, nuôi ước mơ được làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Năm 2019, anh Quyết bắt đầu hình thành ý tưởng làm một trang trại quy mô nhỏ nuôi thử nghiệm chim bồ câu lai Pháp. Con đường khởi nghiệp của anh gặp nhiều trắc trở khi với vốn ít ỏi, và không nhận được ủng hộ từ người thân, bạn bè.

Chia sẻ về quyết định táo bạo này, anh Quyết nói: “Từ bỏ công việc ổn định, lại mang theo một đống nợ tôi lo lắm. Mặc dù chim bồ câu ít bệnh tật nhưng tôi thì chưa có kinh nghiệm, tay chân lại vụng về… Đắn đo mãi nhưng rồi tôi cũng quyết làm, làm không được thì bỏ làm lại. Nghĩ thế mà quyết tâm thôi!”.

Việc đầu tiên nằm trong kế hoạch của chàng trai trẻ là hành trình rong ruổi chạy xe máy đi học hỏi cách nuôi chim bồ câu của các chủ trại bồ câu giàu kinh nghiệm tỉnh Phú Thọ. Sau đó, anh về xây dựng trang trại trên khu đất trống cạnh nhà với 200 cặp bồ câu lai Pháp. Những ngày bước vào công việc mới thật gian nan, nhưng nhờ “mát tay” nuôi, lứa chim bồ câu đầu tiên phát triển nhanh và sinh sản tốt, những con chim bồ câu ra ràng nhanh chóng được các thương lái ở TP.Tuyên Quang thu mua.

Nhận thấy nguồn lợi từ việc nuôi chim bồ câu, anh Quyết xây dựng trang trại 120 m2 và nuôi 1.200 con chim bồ câu. Niềm hân hoan đến chưa được bao lâu, bồ câu đang trong giai đoạn lớn thì dịch cúm Covid-19 ập đến.

“Lúc ấy dịch bệnh, bồ câu không có ai mua, đàn chim của gia đình đối diện với cảnh “có cung không cầu”. Nếu có bán được thì giá cũng thấp chỉ 40.000 đồng/con, giá thức ăn tăng cao, tôi thua lỗ hơn 100 triệu đồng”, anh Quyết nhớ lại.

Thua lỗ, thất bại, nhưng anh tự động viên bản thân “có chí thì nên” rồi kiên trì với con đường mình đã chọn. Anh tiếp tục đầu tư thêm hơn 1.200 con giống bồ câu Pháp. Trời không phụ lòng người, qua đợt dịch bệnh, trang trại của anh Quyết có hơn 1.500 con bồ câu. Hiện trung bình một tháng, anh Quyết bán 50 cặp bồ câu giống với giá 190.000 đồng/cặp và bán gần 100 cặp chim thương phẩm, với giá 140.000 đồng/cặp, thu lãi từ 10 – 15 triệu đồng/tháng.

Bỏ phố về quê làm giàu

Năm 2020, tốt nghiệp chuyên ngành quản lý đất đai tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, anh Bàn Xuân Thủy (thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái, H.Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) được nhận vào làm việc tại một công ty có tiếng ở Hà Nội. Dù có mức thu nhập khá, nhưng anh Thủy vẫn quyết tâm bỏ phố về quê làm giàu.

“Đầu năm 2021 tôi mới chính thức nghỉ việc ở công ty để về quê tập trung khởi nghiệp. Khi đó, tôi thấy vấn đề thực phẩm đang được xã hội đặc biệt quan tâm, chính là cơ hội cho các mặt hàng nông sản sạch có chỗ đứng trên thị trường, vì thế tôi quyết định khởi nghiệp từ chính các sản vật ở quê hương. Với 100 triệu đồng vốn vay ngân hàng, tôi đầu tư xây dựng chuồng chăn nuôi lợn đen và gà đen với diện tích gần 1 ha”, anh Thủy kể.

Những ngày đầu bắt tay vào phát triển trang trại nuôi lợn đen và gà đồi, anh Thủy gặp không ít khó khăn. Do thời tiết, khí hậu, đàn vật nuôi mắc bệnh, rồi bị tác động từ một số động vật khác, vật nuôi sổng chuồng… Thế nhưng, cứ mỗi lần thất bại, anh lại rút ra những bài học kinh nghiệm để rồi tiếp tục khắc phục vươn lên.

Ở tuổi 27, với tinh thần ham học hỏi, sáng tạo, từ 10 con lợn giống ban đầu, hiện trang trại chăn nuôi của anh Thủy đã phát triển lên hơn 20 con lợn đen nái, gần 150 con lợn đen thịt và khoảng 400 con gà đen, gà đồi thương phẩm. Hàng năm, xuất khoảng 4 tấn lợn hơi, với giá bán 130.000 đồng/kg cho thị trường Tuyên Quang, Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh… Ngoài ra, anh còn xuất bán hơn 600 kg gà thịt với giá 150.000 – 200.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, anh Thủy thu lãi khoảng 250 triệu đồng/năm.

Mặc dù đã có nguồn thu nhập khá ổn định, nhưng chàng trai trẻ chưa dừng lại. Nhận thấy những nét đẹp vốn có của núi rừng Hồng Thái được thiên nhiên ban tặng, anh Thủy tiếp tục đầu tư thêm homestay ngay tại địa phương. Hiện cơ sở homestay của anh Thủy đang tạo việc làm ổn định cho hơn 15 người dân địa phương. Anh còn hướng dẫn bà con trong bản cách làm nông nghiệp sạch, đào tạo bà con làm hướng dẫn viên, từ đó góp phần nâng cao sinh kế cho người dân.

Anh Hoàng Trần Trung, Phó bí thư Tỉnh đoàn Tuyên Quang, cho biết chuyện khởi nghiệp của anh Thủy và anh Quyết chỉ là số ít trong hàng trăm câu chuyện khởi nghiệp thành công được viết lên từ ý chí và quyết tâm của tuổi trẻ.

Thời gian qua, để đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ như cho vay vốn ưu đãi, tập huấn, trang bị các kiến thức về khoa học, kỹ thuật để đoàn viên, thanh niên mạnh dạn phát triển kinh tế. Qua đó, tạo điều kiện để các bạn trẻ xây dựng ý tưởng, thiết lập các mô hình sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *