Non sông liền một dải

Đâu chỉ ngoài đường phố, mà trên khắp các sân cỏ Việt Nam, bầu không khí cổ động, sôi sục, như thúc giục tất cả, hướng tới dịp đại lễ 50 năm ngày Đất nước Thống nhất, 30/04/1975-30/04/2025, trong tuần lễ vừa qua. Không khí lễ hội cực kỳ hứng khởi, và chuyện thắng/thua trong các trận đấu bóng đá, thậm chí không còn quan trọng nữa.

Năm 1976, tức một năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Tổng cục Đường sắt lần đầu du Nam thi đấu. Đội bóng của những cựu danh thủ Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung… toàn thắng trong chuyến đi ấy, từ TP.HCM với Cảng Sài Gòn, Hải Quan, đến Tây Ninh và các đại diện miền Tây Nam bộ. Bóng đá của miền Bắc đã có màn ra mắt rất ấn tượng với khán giả phía Nam.

50 năm qua đi, vắt qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử nền bóng đá, song nếu chỉ tính riêng kỷ nguyên lên chuyên, bóng đá miền Bắc vẫn chiếm ưu thế khá rõ rệt. Đã 10 năm nay, kể từ sau lần cuối cùng B.Bình Dương lên ngôi tại V-League 2015, các đội vô địch đều ở ngoài Bắc. Bóng đá khu vực phía Nam bị bỏ lại, bởi không theo kịp cơ chế hay vì nguyên do nào khác?!

Vòng 20, V-League 2024/2025, Nam Định dễ dàng hạ Bình Dương 3-1 tại Thiên Trường. Trên SVĐ Thống Nhất, Hà Tĩnh cũng vượt qua TP.HCM với cách biệt tối thiểu 1-0. Đó là những diễn biến đáng chú ý và khẳng định sự vượt trội của các CLB phía Bắc.

Trong một diễn biến khác cũng diễn ra tại TP.HCM, 8 địa phương và các Trung tâm bóng đá cộng đồng lớn nhất miền Nam, ví như Thăng Long, Gia Định, Phú Nhuận, Thủ Đức Ngọc Hùng, Nam Việt… (TP.HCM), Văn Tâm (Đồng Nai), Tây Ninh, An Giang, Tiền Giang… tề tựu về vùng đất mang thuộc tính đồng hóa này cho giải bóng đá Thiếu niên khu vực phía Nam, lần đầu tiên được tổ chức năm 2025 trong mấy ngày tới đây.

Bóng lăn trong tuần: Non sông liền một dải - Ảnh 1.

Các CĐV SLNA cổ vũ trên khán đài ở trận CAHN-SLNA thuộc vòng 20 V-League. Ảnh: Hoàng Linh

Chúng ta đều biết, dịp Đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày Đất nước Thống nhất có ý nghĩa quan trọng nhất là với thế hệ trẻ. Trẻ em, mầm non tương lai của Tổ quốc, chính là thế hệ sẽ tiếp nối truyền thống của cha ông, là những người chủ của Đất nước sau này. Và chúng ta phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chăm sóc, vun vén các thế hệ ấy.

Cội nguồn sự phát triển của nhiều địa hạt khác nhau trong xã hội và của cả đất nước, chẳng riêng gì thể thao hay bóng đá, chính là thế hệ trẻ. Với bóng đá, đó là các lớp năng khiếu, bóng đá cộng đồng, học đường, bóng đá phong trào…, tóm lại là bóng đá trẻ. Đó là gốc rễ của cả nền bóng đá, vốn như một cái cây, mà phần thân là hệ thống các giải quốc gia và giải chuyên nghiệp, còn phần ngọn, tức đỉnh cao nhất đầu ra là các ĐTQG Việt Nam.

Việc duy trì hệ thống các giải bóng đá trẻ địa phương và khu vực, vùng miền, là chi tiết quan trọng trong phát triển. Thăng Long Sport đã và đang mang thiên chức ấy ở cấp cơ sở vậy.

Bóng đá khởi thủy vốn dĩ là một trò chơi, một môn thể thao giải trí, cho đến khi trở thành môn thể thao vị thành tích, thậm chí là ngành công nghiệp không khói, hái ra tiền. Song bóng đá cũng là thứ ngôn ngữ toàn cầu, chứ không đơn thuần là môn thể thao vua nữa.

Hãy cho đi thật nhiều mà không màng nhận lại. Nói như cựu đội trưởng ĐTQG Lê Huỳnh Đức, bóng đá cũng như cuộc đời vậy. Đừng bao giờ thôi nỗ lực!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *