Trình bày báo cáo tiếp thu giải trình, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết cơ quan thẩm tra và soạn thảo đã tiếp thu và có điều chỉnh với các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Cụ thể, có ý kiến đề nghị chỉ thực hiện việc tu bổ, tôn tạo đối với di tích đã xuống cấp. Rà soát, đánh giá kỹ số liệu, hiện trạng di tích để bảo đảm tính bao quát, tính dự báo đối với các di tích có thể được xếp hạng, nâng hạng.
Theo cơ quan thẩm tra, chỉ tiêu của chương trình là hướng tới việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có việc tu bổ và tôn tạo di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. Với các di tích xuống cấp, có nguy cơ hủy hoại sẽ được đầu tư tu bổ, phục hồi.
Các di tích khác có thể được tôn tạo để tăng cường khả năng sử dụng, khai thác, phát huy giá trị, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa.
Hiện nay, nhiều di tích đang trong tình trạng xuống cấp rất nghiêm trọng và chưa có đủ nguồn lực để tu bổ.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện chương trình cần rà soát kỹ lưỡng hiện trạng di tích, triển khai việc tu bổ, tôn tạo theo hướng ưu tiên các di tích bị xuống cấp nghiêm trọng.
Chương trình của Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2035, có ý kiến đề nghị điều chỉnh tỷ lệ từ 90% lên 100% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống… vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng cho phù hợp với mục tiêu đặt ra tại Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý là “phấn đấu 100% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, hệ giá trị gia đình thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả”.
Về kinh phí, có lo ngại nhiều địa phương gặp khó khăn trong bố trí vốn đối ứng của ngân sách địa phương, đề nghị xây dựng nguyên tắc đối ứng linh hoạt hơn, quan tâm hỗ trợ các địa phương này.
Một số đại biểu cũng băn khoăn về nội hàm của nguồn vốn khác và cho rằng tổng nguồn vốn khác đề ra tại chương trình chiếm tỷ lệ 12,4% còn cao, thiếu tính khả thi đối với các địa phương còn khó khăn.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguồn vốn khác huy động thực hiện Chương trình bao gồm nguồn vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án, vốn huy động thông qua chính sách thu hút đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Ngoài ra, có nguồn đóng góp tự nguyện của người dân (tiền, hiện vật, ngày công lao động) và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ 12,4% là tỷ lệ trung bình trong cả nước; đối với những địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển, đặc biệt là địa phương phát triển công nghiệp văn hóa, tỷ lệ sẽ đạt cao hơn.
Theo báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, chương trình dự kiến bố trí vốn năm 2025 là 400 tỉ đồng, trong đó ngân sách T.Ư là 150 tỉ đồng, ngân sách địa phương là 250 tỉ đồng/63 tỉnh, thành phố. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, số vốn này hoàn toàn nằm trong khả năng cân đối của ngân sách.
Kinh phí thực hiện chương trình giai đoạn 2025 – 2030 tối thiểu là 122.250 tỉ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách T.Ư là 77.000 tỉ đồng (chiếm 63%), bao gồm vốn đầu tư phát triển 50.000 tỉ đồng, vốn sự nghiệp 27.000 tỉ đồng. Vốn ngân sách địa phương 30.250 tỉ đồng (chiếm 24,6%).
Nguồn vốn khác dự kiến khoảng 15.000 tỉ đồng (chiếm 12,4%).
Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách T.Ư để ưu tiên hỗ trợ thêm cho chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động phù hợp mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.