Chiều 30.11, với 451/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua dự án luật Dữ liệu. Luật này có hiệu lực thi hành từ 1.7.2025.
Một trong những nội dung trọng tâm của đạo luật này là quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Theo điều 31, Trung tâm dữ liệu quốc gia có 7 nhóm nhiệm vụ lớn. Điển hình như tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, phân tích, khai thác dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật nhằm tạo lập, quản trị Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.
Đồng thời, tổ chức vận hành, quản trị, lưu trữ, quản lý, khai thác, điều phối dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia cho cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội…
Quá trình xây dựng luật, một số ý kiến đề nghị làm rõ Trung tâm dữ liệu quốc gia thuộc Bộ Công an hay thuộc Chính phủ. Có ý kiến đề nghị giao Chính phủ ban hành nghị định để quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của trung tâm này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, hiện nay, Trung tâm dữ liệu quốc gia đang được triển khai thực hiện trên cơ sở Nghị quyết số 175/2023 của Chính phủ.
Đảng ủy Công an T.Ư đã báo cáo cấp có thẩm quyền và được đồng ý với chủ trương xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia trực thuộc Bộ Công an quản lý. Dự kiến, Chính phủ sẽ quyết định thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia là một đơn vị mới thuộc Bộ Công an và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy.
Nguồn nhân lực phục vụ vận hành, quản trị Trung tâm dữ liệu quốc gia cơ bản là đội ngũ những người làm công tác xử lý, quản trị dữ liệu hiện có của Bộ Công an, không phát sinh thêm biên chế.
Đặc biệt, Trung tâm dữ liệu quốc gia là một trung tâm dữ liệu, được thiết kế, xây dựng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn về trung tâm dữ liệu, phù hợp với quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông.
Nên đầu tư tập trung hay phân tán?
Cũng có ý kiến cho rằng việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia nếu đầu tư tập trung thì đồng bộ, thống nhất nhưng chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, tính linh hoạt bị hạn chế và sẽ dẫn đến nguy cơ độc quyền về mặt dữ liệu.
Ngược lại, nếu đầu tư phân tán thì các cơ quan, tổ chức và các doanh nghiệp tham gia rất thuận lợi. Do vậy, cần phải nghiên cứu rất kỹ kinh nghiệm quốc tế để có thể lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn báo cáo của Bộ Công an cho thấy, trong quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, cơ quan này đã tham khảo kinh nghiệm xây dựng trung tâm dữ liệu ở nhiều quốc gia trên thế giới để lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Theo đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới. Việt Nam đã bước đầu khởi tạo và hình thành được 7 cơ sở dữ liệu quốc gia, một số cơ sở dữ liệu quốc gia đã được kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu…; tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Để giải quyết vấn đề trên, việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia là cần thiết, nhằm bảo đảm đồng bộ, không phân tán dữ liệu, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên dữ liệu quốc gia.
Cạnh đó, việc đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, nâng cấp, mở rộng, lưu trữ thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ tiết kiệm rất nhiều so với việc đầu tư các hệ thống riêng biệt để lưu trữ các thông tin này.
3 loại dữ liệu không được phép giao dịch
Luật dữ liệu quy định về sàn dữ liệu. Theo đó, sàn dữ liệu là nền tảng cung cấp tài nguyên liên quan đến dữ liệu để phục vụ nghiên cứu, phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; là môi trường để giao dịch, trao đổi dữ liệu và các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.
Tổ chức cung cấp dịch vụ sàn dữ liệu là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ và được cấp phép thành lập.
Dữ liệu không được phép giao dịch bao gồm: dữ liệu gây nguy hại đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu; dữ liệu không được chủ thể dữ liệu đồng ý; dữ liệu khác bị cấm giao dịch theo quy định của pháp luật.