Nhiều bệnh lý nặng trước đây “bó tay”, nay bác sĩ (BS) đã có thể tự tin điều trị thành công nhờ sự hỗ trợ của Robot và AI tại hệ thống Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Tâm Anh.
Hồi sinh người bệnh động mạch chủ từ “cửa tử”
TTND-PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Chủ tịch Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, hiện là Trưởng khoa Phẫu thuật Tim, Mạch máu và Lồng ngực – BVĐK Tâm Anh Hà Nội, nhớ lại hơn một thập niên trước, nhóm bệnh động mạch chủ từng là nỗi ám ảnh với BS ngoại khoa. Bệnh lý gây tổn thương ở nhiều vị trí nên các phương pháp điều trị kinh điển như mổ hoặc can thiệp truyền thống không hiệu quả. Một số trường hợp khó, tỷ lệ tử vong trong và sau mổ có thể lên đến 90%, BS không dám nghĩ có thể cứu được người bệnh.
Từ khi ứng dụng mổ Hybrid, tỷ lệ biến chứng và tử vong sau mổ bệnh mạch máu phức tạp giảm từ 50 – 70% chỉ còn 10%. Ông Trung Vũ (80 tuổi, ở Hà Nội) là một trong hàng trăm bệnh nhân được mổ và can thiệp bằng phương pháp này. Ông nhập viện tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội trong tình trạng chân trái yếu đến mức không cử động được, phải ngồi xe lăn. Ông được BS chẩn đoán bị tắc mạch chi dưới hai bên. Nếu không điều trị, người bệnh có nguy cơ phải cắt cụt hai chân. Nếu can thiệp nhiều lần bằng stent các động mạch chậu, đùi, rồi mổ bắc cầu hai bên thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng do người bệnh tuổi cao, nhiều bệnh nền.
PGS-TS Ước đã cùng ê kíp quyết định thực hiện phương pháp Hybrid, kết hợp phẫu thuật và can thiệp ngay trong một cuộc mổ. Robot Artis Pheno chụp toàn bộ hệ mạch chi dưới đồng thời đo độ dài tổn thương trực tiếp trong lòng mạch máu, hỗ trợ BS chọn chính xác kích thước stent. Sau điều trị, cụ ông hồi phục nhanh, chân trái được tưới máu tốt, có thể vận động nhẹ nhàng, thoát liệt.
“Hiện nay Việt Nam đã thực hiện thành công hơn 400 ca Hybrid, trình độ tương đương với các nước, khu vực đã thực hiện kỹ thuật này từ lâu như Trung Quốc, Đài Loan, tạo dựng được uy tín lớn với các nước bạn”, PGS-TS Ước thông tin.
BS CKI Nguyễn Đức Hưng, Phó khoa Tim mạch – BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết tỷ lệ thành công của mổ Hybrid tiếp tục cải thiện ngoạn mục kể từ khi Robot và AI bắt đầu được sử dụng vào năm 2021. Robot Artis Pheno giúp cải thiện tốc độ quét cơ thể người nhanh hơn 15% để đưa ra chẩn đoán sớm ngay trên bàn can thiệp, giúp BS quan sát tường tận hệ mạch và đưa ra các gợi ý về lộ trình can thiệp mạch phù hợp, từ đó can thiệp mạch chính xác. Hàng trăm người bệnh động mạch chủ, bệnh động mạch chi dưới nặng đã được cứu sống.
Thu nhỏ khối u bằng Robot không cần mổ
Ông Trần Văn Nhiệm (56 tuổi, ở Hà Nội) có khối u xơ tiền liệt tuyến “khủng” với 105 gam, gấp 5 lần bình thường. Khối u chèn ép cổ bàng quang khiến ông tiểu 5 – 6 lần/đêm. Ông than tinh thần luôn mệt mỏi, mất ngủ. Trường hợp của bệnh nhân, trước đây thường được chỉ định mổ để cắt bỏ khối u nhưng tiềm ẩn một số rủi ro sau mổ như tiểu ra máu, nhiễm trùng đường tiểu, suy giảm chức năng sinh lý… Tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội, ông Nhiệm được TTƯT-PGS-TS Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, thăm khám, chỉ định phương pháp nút mạch.
PGS-TS Hiền giải thích, nguyên lý của kỹ thuật này là luồn dụng cụ vào trong lòng mạch máu, bơm hạt gây tắc mạch để ngắt nguồn dinh dưỡng nuôi khối u, giúp u nhỏ lại, khơi thông dòng tiểu, cải thiện các triệu chứng bí tiểu, khó tiểu… của người bệnh. Toàn bộ quá trình này được thực hiện dưới sự giám sát, chỉ dẫn của Robot Artis Pheno. Robot sẽ chụp các mạch máu với độ nét rất cao, giúp BS dễ dàng quan sát được từng nhánh mạch nhỏ nhất, lựa chọn các mạch máu cần can thiệp, đảm bảo không bít tắc quá số mạch cần thiết, bảo tồn tối đa tuyến tiền liệt.
Sau 2 tháng nút mạch, khối u tuyến tiền liệt của bệnh nhân Nhiệm thu nhỏ còn 60 gam. Ông vui mừng “khoe” với BS mình không còn tiểu đêm, ngủ ngon, chất lượng cuộc sống cải thiện rõ rệt.
Theo PGS-TS Hiền, hai yếu tố quan trọng nhất trong can thiệp nút mạch là hình ảnh giải phẫu rõ nét của mạch máu và con đường chính xác tiếp cận mạch nuôi khối u. Robot Artis Pheno tích hợp AI ra đời hỗ trợ đắc lực cho BS giải quyết các yếu tố này. Trước đây, chất lượng hình ảnh chụp mạch cao nhất chỉ đạt chuẩn HD (1080p), nên rất khó thấy mạch máu nhỏ. BS phải dự đoán hiệu quả bằng kinh nghiệm, mất nhiều thời gian và có tỷ lệ sai sót nhất định. Với Robot Artis Pheno, chất lượng hình ảnh được nâng lên độ sắc nét cao nhất (4K), bộc lộ những nhánh mạch siêu nhỏ. Tính năng hướng dẫn tắc mạch thông minh Embolization Guidance sử dụng AI cho phép BS dựng sơ đồ mạch máu, giả định kết quả nút mạch trong các đường đi khác nhau. Từ cơ sở này, BS chọn được đường tắc mạch tối ưu, tắc trúng mạch máu, giải quyết triệt để khối u với xâm lấn tối thiểu.
Kỹ thuật Hybrid là gì ?
Năm 2012, PGS-TS Nguyễn Hữu Ước đã cùng các cộng sự tiên phong phát triển kỹ thuật Hybrid tại Việt Nam. Hybrid là phương pháp kết hợp mổ và can thiệp nội mạch máu ngay trong một lần, tận dụng triệt để ưu điểm của từng phương pháp, tránh được rủi ro do gây mê nhiều lần, rút ngắn thời gian mổ và giảm gánh nặng hậu phẫu. Đặc biệt phương pháp này cho phép can thiệp vào một số vị trí khó mà không thể xử lý được, hoặc có nguy cơ rủi ro rất cao nếu sử dụng các phương pháp mổ hay can thiệp nội mạch kinh điển.
Việt Nam là một trong những nước sớm làm chủ công nghệ nút mạch bằng Robot và AI. Từ ca nút mạch tuyến tiền liệt đầu tiên năm 2014 đến nay, PGS-TS Hiền và các cộng sự đã thực hiện tổng cộng trên 5.000 ca nút mạch, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tổng số ca nút mạch lớn nhất châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Ngoài ứng dụng thành công trên bệnh lý tuyến tiền liệt, các BS còn mở rộng nút mạch trên nhiều bệnh lý phức tạp khác như u xơ tử cung kích thước lớn, phình mạch máu não, các bệnh hiếm như dị dạng mạch bạch huyết, rò động tĩnh mạch màng cứng vùng xoang hang…
Với việc ứng dụng Robot, AI điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý mạch máu, các BS Việt Nam đã tạo dựng được uy tín không nhỏ trong khu vực và quốc tế. Nhiều đoàn BS từ Đài Loan, Philippines… đã đến Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp – BVĐK Tâm Anh Hà Nội học hỏi kỹ thuật nút mạch bằng Robot.
PGS-TS Hiền cũng từng đại diện Việt Nam báo cáo về nút động mạch tuyến tiền liệt bằng Robot Artis Pheno tại Hội nghị can thiệp châu Á – Thái Bình Dương (APSCVIR) năm 2023 và 2024.