Cứ mỗi chiều là tôi nghe lời nói quen thuộc của mẹ nhắc bật điện và thắp nhang cho bàn thờ ông ngoại. Cái bàn thờ loang lổ màu đỏ của bóng đèn trái ớt, hắt chút hoài niệm vào khoảng sân dưới mái hiên nhà.
Không khí chộn rộn đợi “sáng” lây nhiễm cả xóm
Đó là buổi chiều của nhiều năm trước, khi tôi còn là một đứa trẻ chưa rõ chữ. Ba loay hoay trước hiên, bắt ghế chỉnh lại bóng đèn và sợi dây điện. Ngoại đem ghế đẩu ra sân, móm mém nhai trầu rồi ngó lên cái bóng đèn sợi đốt đang lung lay dưới gió. Cái không khí chộn rộn đợi “sáng” lây nhiễm cả xóm. Nhà ai cũng vội ăn cơm sớm để ngồi chờ điện về. Chẳng ai bảo ai, nhưng sự háo hức hằn cả lên tiếng sủa của mấy chú chó canh nhà. Một chương mới của thời cuộc sắp diễn ra, sau cái mù mờ tăm tối trước đấy.
Tầm 6 giờ chiều, tiếng ai đó hét lớn “sáng rồi”. Cả xóm vọng lại những giọng hoan hô. Ba nhìn vầng sáng hắt ra sân, lụi cụi cất mớ dây điện còn thừa. Mẹ tranh thủ khâu lại cái áo rách vai cho thằng Bình. Chả mấy khi mà giờ này rồi còn có thể khâu vá chẳng cần nheo mắt. Chúng tôi tíu tít đứng dưới bóng đèn điện. Chưa bao giờ làng quê về đêm lại sáng rõ đến thế. Ngoài sân, ngoại ngó lom lom cái bóng đèn, mắt nheo như chứa nước.

Có điện, làm nông cũng dễ dàng hơn
ẢNH: NGUYỄN HOÀNG THẢO
Giọng ngoại trầm khàn: “Ông nó thấy chưa? Sáng rồi, sáng như hòa bình vậy. Chả biết giờ ông nằm tối hù ở đâu… Chiến tranh cũng đã xa như cái bóng đèn hột vịt”. Ông ngoại tôi là liệt sĩ trên chiến trường, hy sinh trong một trận càn. Câu nói ấy khiến tôi chẳng thể quên, dù đã đón điện về mấy mươi năm đằng đẵng. Trí nhớ có lý lẽ của riêng nó cũng nên.
Những giá trị tân sinh
Từ ngày có điện, thời gian biểu của nhà tôi được kéo dãn. Sau ngày dài học tập, làm việc, cả gia đình quây quần bên chiếc tivi để xem thời sự. Ba vừa đan lưới, vừa kèm mấy đứa học dưới ánh đèn bàn. Những bài giảng của ba dài hơn khi có ánh điện. Anh giáo làng ngày trước nay đã buông bút cầm cần câu, được dịp quay lại với nghề gõ đầu trẻ cho đỡ nhớ. Mẹ lúi húi sau giếng để cột mấy bó rau cho buổi chợ sớm mai. Bà ấy đã chẳng cần nheo mắt rồi thỉnh thoảng lại cứa nhỡ lưỡi liềm vào tay xót rát. Ngoại thì thích thắp dây đèn nhấp nháy cho bàn thờ ông. Bóng đèn trái ớt cũng được chong cả ngày, như một sự tưởng nhớ xa xôi nào đấy.
Điện về, vào vụ thu, cả nhà lại gánh gồng lúa ra máy tuốt chạy bằng điện ngoài hợp tác xã. Đỡ sức người, tiết kiệm thời gian, lại tuốt đều tăm tắp. Mẹ thường bảo, từ ngày có điện thì cuộc sống dễ dàng hẳn ra. Làm nông cũng chẳng quá nhọc nhằn như trước.
Vào hè nắng vắt mồ hôi quanh mắt, cũng nhờ có quạt điện, điều hòa mà mát mẻ hơn. Giờ thì thằng Bình gọi điện thoại đường dài cho chị hai, hay lên mạng tìm kiếm tài liệu học hành, cũng nhờ điện kết nối mà có. Ba cũng vui miệng góp đôi câu, bảo mùa mưa tới, bọn gà con được ấp dưới ánh đèn điện, rồi nhờ hệ thống sưởi mà tăng được tỷ lệ sống sót. Tôi thì quay sang thủ thỉ với mẹ, trên mỗi chuyến bay đêm, ánh đèn điện từ mảnh đất quê nhà chính là điểm neo nỗi nhớ trong tôi. Từ ô cửa sổ nhìn xuống, là đất nước mình sáng rực những dải đèn điện như muôn vàn ánh sao đêm. Lúc ấy lòng cứ xốn xang nhớ nhà quay quắt.
Có lẽ, đèn điện đã trở thành một biểu trưng cho vài ba ký ức chẳng thể xóa nhòa. Giới trẻ thời nay cũng có thể không hình dung nổi việc điện sáng thời đó là điều kỳ diệu đến mức nào. Tôi nhớ mẹ xoa đầu tôi như lúc bé, rồi dỏng tai nghe thằng Bình kể lể. Cả nhà rôm rả bật cười. Những nụ cười khi người ta thấy ánh sáng ở cuối con đường xa xăm.
Cứ thế, dòng điện mang về những giá trị tân sinh, sáng rõ từng gương mặt vui, từng giọt mồ hôi lấm tấm.
Thời cuộc đổi thay, cái mới sinh ra, cái cũ mất đi. Điện lực vẫn là ngành thiết yếu trong mọi mặt của cuộc sống, chính bởi những giá trị to lớn nó mang đến cho xã hội.