Tập trung vốn cho dự án lớn, thúc đẩy phát triển KT-XH

Chiều 7.2, tiếp tục phiên họp 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026 – 2030.

Ưu tiên cho đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay điểm mới của nghị quyết là tập trung ưu tiên bố trí vốn để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, các dự án có ý nghĩa thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững.

Tập trung vốn cho dự án lớn, thúc đẩy phát triển KT-XH- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Được ưu tiên bố trí vốn còn có chương trình, dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tư pháp, KH-CN, đổi mới sáng tạo, năng lượng nguyên tử, hạ tầng số, vi mạch bán dẫn, giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu

Công tác bố trí vốn nước ngoài cũng được đổi mới theo hướng đảm bảo bố trí vốn cho dự án chuyển tiếp, cho dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức vốn nước ngoài còn lại (nếu có) được quản lý thống nhất tại T.Ư, để bố trí cho chương trình, nhiệm vụ, dự án phát sinh trong kỳ trung hạn sau khi hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Ngoài ra, đối với ngân sách địa phương, dự thảo nghị quyết quy định tập trung đầu tư các công trình, dự án có tính liên tỉnh, liên huyện; đầu tư tập trung, trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có tính lan tỏa cao; đảm bảo không dàn trải, manh mún…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các quy định trong nghị quyết phải khắc phục được tình trạng phân bổ dàn trải, thiếu hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực quan trọng dẫn đến việc sử dụng vốn đầu tư công “không hiệu quả”.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghị quyết phải khắc phục được những hạn chế trong thực hiện nghị quyết giai đoạn 2021 – 2026. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ việc phân bổ vốn đầu tư công thời gian qua chưa có cơ chế quản lý lập kế hoạch vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách địa phương. Cùng đó, chưa ràng buộc trách nhiệm ngân sách địa phương dành vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài còn rất thấp, chỉ đạt 52,7% kế hoạch được giao…

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc quy định các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công cần cập nhật các quy định của luật Đầu tư công 2024, nhất là liên quan thời gian bố trí vốn đầu tư thực hiện dự án; tiêu chí phân bổ với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay nước ngoài. Đồng thời, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn tới cần phải dựa trên mức độ cấp thiết, tính hiệu quả, đảm bảo minh bạch và công bằng. “Hiện nay chắc có tên đơn vị đăng ký dự án của giai đoạn 2026 – 2030 cả rồi nhưng cái nào cấp bách, cấp thiết thì phân bổ, còn cái nào chưa cấp bách thì gác lại. Nhất là các công trình dở dang thì bố trí vốn cho dứt điểm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ KH-ĐT lưu ý, tập trung cao xử lý dứt điểm dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ sử dụng vốn vay ODA của Hungary. “Dự án bệnh viện bỏ hoang mấy năm nay. Không biết anh Dũng đi đến đó chưa, tôi đến mấy lần, rất sốt ruột”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Tập trung đầu tư vốn cho KH-CN

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh Bộ KH-ĐT nên ưu tiên bố trí vốn cho lĩnh vực KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo Chủ tịch Quốc hội, sáng 7.2, trong cuộc họp Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu ngay kỳ họp Quốc hội bất thường thứ 9 này phải có nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Luật chưa sửa được ngay nhưng phải có nghị quyết tháo gỡ. “Tổng Bí thư hết sức sốt ruột, nói đợi đến kỳ họp Quốc hội tháng 5 thì xa quá. Đề nghị anh Dũng về xem xét lại, tập trung đầu tư vốn cho lĩnh vực KH-CN, đổi mới sáng tạo. Cái này bố trí vốn sẽ được ủng hộ ngay, ủng hộ cao”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói giai đoạn trước có tới hơn 20.000 dự án đầu tư công, thời kỳ 2016 – 2020 giảm xuống còn 10.000 dự án, nhiệm kỳ vừa qua (2021 – 2025) giảm xuống dưới 5.000. Nhiệm kỳ tới, Thủ tướng yêu cầu giảm xuống dưới 3.000 dự án. “Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt, tập trung các dự án lớn, có ý nghĩa chiến lược, còn lại phân cấp phân quyền cho địa phương xử lý dự án của địa phương”, ông Dũng nói. Với lưu ý ưu tiên phân bổ cho KH-CN, thống nhất với ý kiến Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói sẽ rà soát, tập trung ưu tiên đầu tư vốn KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất thông qua các nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 – 2030.

Giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm 5 năm khi đóng đủ 20 năm bảo hiểm

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Nhà giáo. Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay về chính sách được nghỉ hưu trước tuổi đối với giáo viên mầm non, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra đã chỉnh lý theo hướng, quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu sớm nhưng không quá 5 năm và không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.

Cạnh đó, ông Vinh cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng bỏ quy định cụ thể về tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu.

Dự thảo luật tiếp tục quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Việc cải thiện chính sách tiền lương cho công chức, viên chức cần được nghiên cứu, tính toán đồng bộ trong quá trình xây dựng chính sách tiền lương theo vị trí việc làm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *