Miền Trung nắng nóng lịch sử
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong tháng 8, miền Bắc xuất hiện 3 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt diện rộng từ 4 – 10.8, từ 16 – 20.8 và từ 27 đến hết tháng 8. Trong đó, đợt nắng nóng đầu tháng 8 tại đồng bằng Bắc bộ xuất hiện nhiều nơi có nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 38 – 39 độ C.
Tại miền Trung, nắng nóng và nắng nóng gay gắt diện rộng kéo dài nhiều ngày. Cụ thể, khu vực từ Thanh Hóa – Quảng Bình đã xuất hiện 4 đợt, gồm từ ngày 4 – 10.8, 13 – 14.8, 18 – 24.8 và từ 27 đến hết tháng 8. Đặc biệt, các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Phú Yên, nắng nóng diện rộng kéo dài hết tháng 8.
Tại Nam bộ xuất hiện 1 đợt nắng nóng từ ngày 18 – 20.8, ngoài ra tại khu vực này cũng xuất hiện nhiều ngày nắng nóng cục bộ, tập trung chủ yếu tại miền Đông Nam bộ.
Nắng nóng kỷ lục tháng 8: Nhiều khu vực vượt mốc lịch sử
Trong tháng 8, hơn 30 trạm khí tượng trên cả nước ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử. Trong đó, trạm khí tượng Nho Quan (Ninh Bình) ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày là 39,3 độ C, vượt kỷ lục năm 1998 là 39 độ C; trạm khí tượng Như Xuân (Thanh Hóa) ghi nhận nhiệt độ ngày cao nhất là 39,7 độ C, vượt kỷ lục năm 1977 là 39 độ C; trạm khí tượng Quỳnh Lưu (Nghệ An) ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày là 38,5 độ C, vượt kỷ lục năm 1977 là 38,5 độ C.
Mưa khốc liệt
Theo thống kê, Bắc bộ trong tháng 8 xuất hiện nhiều ngày mưa vừa, mưa to diện rộng và tập trung từ ngày 1 – 7.8 (tại khu vực Tây Bắc, Việt Bắc) và các thời kỳ từ ngày 11 – 13.8, từ ngày 21 – 25.8.
Tại khu vực Trung bộ chủ yếu xảy ra mưa rào và giông cục bộ, riêng Thanh Hóa – Nghệ An ngày 25.8 có mưa vừa, mưa to. Tại Tây nguyên, Nam bộ, trong tháng xuất hiện nhiều ngày có mưa rào và giông rải rác, đặc biệt xảy ra mưa vừa, mưa to vào các thời kỳ từ ngày 3 – 7.8, từ ngày 22 – 31.8.
Tổng lượng trên khắp cả nước phổ biến thiếu hụt 20 – 40%, có nơi hơn 60% so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Đặc biệt khu vực từ Thanh Hóa – Quảng Trị có lượng mưa thấp hơn 80 – 100% so với TBNN.
Ngược lại, khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ có lượng mưa xấp xỉ đến cao hơn từ 20 – 40%, có nơi trên 60% so với TBNN cùng thời kỳ. Mưa khốc liệt ở miền Bắc kéo theo hàng loạt thiên tai như lũ quét, ngập úng, sạt lở đất, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Nhiều khu vực xuất hiện mưa với cường độ rất lớn trong thời gian ngắn gây ngập úng như tại Hà Nội, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang.
Cơ quan khí tượng dự báo, trong tháng 9, hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam có khả năng ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ (TBNN trên biển Đông 2,4 cơn; TBNN đổ bộ 1,2 cơn). Nắng nóng vẫn có khả năng xuất hiện ở khu vực Trung bộ nhưng cường độ không gay gắt và kéo dài, tập trung vào thời kỳ nửa đầu tháng 9.
Trong thời kỳ này, trên phạm vi toàn quốc sẽ có nhiều ngày mưa, mưa rào và giông; trong đó có khả năng xuất hiện một số đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Mùa mưa ở khu vực Trung bộ có khả năng bắt đầu xấp xỉ với TBNN (từ khoảng giữa tháng 9).