Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Định lần thứ 8 (nhiệm kỳ 2024 – 2029) diễn ra từ ngày 20 – 21.9 tại Trung tâm hội nghị Bình Định, thu hút 300 đại biểu đại diện cho hơn 390.000 hội viên. Tại đại hội, các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề, trong đó tập trung vào các vấn đề khởi nghiệp và phát triển thanh niên trong nhiệm kỳ đến.
Tại đại hội, đã diễn ra 3 diễn đàn theo các chủ đề: Thanh niên Bình Định vì cuộc sống cộng đồng; Thanh niên Bình Định tham gia bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa con người Bình Định; Thanh niên học tập, sáng tạo, khởi nghiệp.
Cần nâng cao vai trò của Hội
Diễn đàn Thanh niên học tập, sáng tạo, khởi nghiệp có nhiều ý kiến thảo luận khá sôi nổi về các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp, lập nghiệp…
Là người phát biểu thảo luận đầu tiên, anh Chế Hoài Kết, chủ cơ sở đúc tượng, khuôn mẫu Bảo Khang (ở TX.Hoài Nhơn, Bình Định) đề xuất Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Định quan tâm 3 vấn đề trong công tác hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, gồm: đào tạo, kết nối và vốn.
Theo anh Kết, thanh niên có ý định khởi nghiệp thường không biết mình nên bắt đầu từ đâu và chưa có kinh nghiệm nên cần được hỗ trợ, tạo cơ hội tham gia các lớp đào tạo, khóa tập huấn để nắm bắt được vấn đề về khởi nghiệp. Sau khi nắm bắt nội dung về khởi nghiệp thì cần kết nối. Cụ thể là kết nối các thanh niên khởi nghiệp với nhau, kết nối với các doanh nghiệp, kết nối với các địa phương, tổ chức… để giới thiệu sản phẩm, tìm đầu ra ổn định và kết nối với các đơn vị khác để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.
“Thanh niên khởi nghiệp rất cần vốn để đầu tư sản xuất… Tùy theo quy mô khởi nghiệp lớn hay nhỏ sẽ cần gói vốn lớn, nhỏ khác nhau. Nguồn vốn ưu đãi của Đoàn, Hội không nên cố định gói 200 triệu đồng hoặc 100 triệu đồng, nên mở rộng ra để thanh niên được tiếp cận nguồn vốn phù hợp”, anh Kết đề nghị.
Đồng tình với quan điểm của anh Kết, anh Nguyễn Văn Xong, chủ cơ sở sản xuất sen và nông sản xanh Năm Xong (TX.Hoài Nhơn), cho rằng thanh niên lập nghiệp gặp khá nhiều khó khăn, trong đó có 3 yếu tố chính là: người đồng hành, vốn và đầu ra. Nếu có đội ngũ đồng hành, hỗ trợ, thanh niên khởi nghiệp sẽ bớt thời gian để tìm hiểu về kiến thức, kinh nghiệm. Nguồn vốn rất quan trọng, khi khởi nghiệp mà nguồn vốn bị đứt gãy thì mọi ý tưởng của mình sẽ bị trì trệ ngay.
“Mong Hội quan tâm, hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn một cách nhanh chóng, lãi suất thấp”, anh Xong nói.
Anh Trần Quang Tiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Agribio (H.Phù Mỹ, Bình Định), cho rằng vấn đề khởi nghiệp đã có nhiều thanh niên Bình Định làm được nhưng vấn đề chưa làm được là liên kết. Vì vậy, tổ chức Đoàn, Hội cần chú trọng vấn đề liên kết, gắn kết giữa thanh niên khởi nghiệp với nhau, giữa thanh niên khởi nghiệp với các doanh nghiệp, hội doanh nhân…
Trong khi đó, anh Nguyễn Xuân Truyện, chủ cơ sở Truyện Nấm (H.Hoài Ân, Bình Định), lại cho rằng liên kết để tạo nên chuỗi giá trị, hỗ trợ vốn là cần thiết nhưng nếu liên kết mà làm không tốt có thể dẫn đến “chết chùm”. Vì vậy, trước tiên cần phải tập trung để tạo ra sản phẩm tốt, giỏi cái gì làm cái đó. Sau khi làm được sản phẩm tốt rồi thì cần chú ý đầu ra, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm.
Trăm người khởi nghiệp chỉ tầm 10 người thành công
Anh Phạm Ngọc Hoan, Bí thư Thị đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TX.Hoài Nhơn, cho biết TX.Hoài Nhơn muốn thành lập Quỹ thanh niên Hoài Nhơn khởi nghiệp, lập nghiệp để hỗ trợ thanh niên vay vốn khởi nghiệp, mỗi mô hình kinh tế của thanh niên có thể vay từ 50 – 100 triệu đồng.
“Ngoài nguồn do TX.Hoài Nhơn vận động xã hội hóa, đề nghị Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Định tham mưu, cho cơ chế để chúng tôi có quỹ và nguồn chi theo đúng quy định tài chính. Từ Quỹ thanh niên Bình Định khởi nghiệp, lập nghiệp, có thể xem xét, ủy thác nguồn tiền cho Quỹ thanh niên Hoài Nhơn cho vay, chúng tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm nguồn tiền này”, anh Hoan nói.
Theo anh Vũ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Định, để khởi nghiệp thành công thì cơ bản dựa trên quan hệ cung cầu, sự hiệu quả của mối quan hệ hợp tác mà 2 bên đều có lợi. Khi chủ cơ sở khởi nghiệp tạo ra sản phẩm mà phía đối tác kinh doanh bán được thì người ta sẽ đồng ý bỏ vốn ra để đầu tư cho sản phẩm đó.
“Khởi nghiệp thì cả trăm người nhưng thành công chỉ tầm 10 người, còn phần lớn thất bại. Đó là vấn đề thực tế. Nhà nước và nhiều tổ chức rất quan tâm, khuyến khích, ủng hộ phong trào khởi nghiệp nhưng ai đi vào con đường khởi nghiệp thì phải chấp nhận nguy cơ thất bại rất lớn. Không ai bảo đảm về sự thành công. Nhưng chúng ta có thể chuẩn bị về vấn đề vốn và liên kết. Đa số các dự án khởi nghiệp thành công thì nguồn vốn không phải từ vay tài chính mà hầu như đã có đối tác đầu tư, sản phẩm phù hợp với quy luật cung cầu”, anh Quân nói.
Anh Lý Anh Việt, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Định, cho biết các hoạt động hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng được các cấp bộ Hội ở Bình Định chú trọng. Thời gian qua, các hoạt động như hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, xây dựng thương hiệu sản phẩm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng đầu ra và quảng bá sản phẩm… được thực hiện thường xuyên.
Tại Bình Định, Ngân hàng Chính sách có 223 tổ thanh niên vay vốn, với 9.610 hộ vay, tổng dư nợ hơn 589,2 tỉ đồng; Quỹ quốc gia về việc làm (nguồn vốn kênh T.Ư Đoàn) hỗ trợ 11 dự án với tổng số tiền hơn 3 tỉ đồng; Quỹ Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp hỗ trợ 15 dự án với tổng số tiền hơn 2,7 tỉ đồng.
“Quỹ thanh niên khởi nghiệp cấp tỉnh tuy xã hội hóa nhưng phải hoạt động theo quy định của pháp luật, cần đầy đủ các thủ tục. Nên muốn ủy thác cho các huyện, thị xã cho vay là rất khó, chưa có quy chế phù hợp. Việc TX.Hoài Nhơn chủ động tạo nguồn quỹ vay vốn riêng cho thanh niên khởi nghiệp là rất tốt, các đơn vị khác cũng nên làm như vậy. Khởi đầu khó, có bao nhiêu lập quỹ bấy nhiêu rồi có cơ sở để vận động thêm”, anh Việt nói.
Anh Việt cũng cho biết, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp về vấn đề kết nối và quảng bá sản phẩm khởi nghiệp…