Tìm ra loài nhện nhảy thuộc giống Myrmarachne tại VN
Anh Tâm cho biết 9 năm trước, anh đọc được một bài báo ghi nhận loài Rhene flavicomans (một loài nhện trong họ Salticidae) có ở VN trên tạp chí khoa học Peckhamia (chuyên đăng những nghiên cứu về nhện nhảy, xuất bản ở Mỹ).
“Tôi tự hỏi, tại sao nhện ở VN mà lại để nhà khoa học nước ngoài ghi nhận? Đó là động lực giúp tôi theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu về nhện nhảy”, anh Tâm kể.
Năm 2022, anh Tâm đã cùng học viên thu được trên những lá dừa trong khuôn viên của trung tâm 4 mẫu vật gồm 3 cá thể đực và 1 cá thể cái giống Myrmarachne cornuta (một loài nhện trong họ Salticidae). Để làm rõ đó có phải là Myrmarachne cornuta hay là loài nhện khác, giáo viên này quyết định dành thời gian nghiên cứu.
“Tôi cùng hai học viên là Nguyễn Ngọc Hân và Trương Vân Anh đã lục tìm rất nhiều tài liệu tham khảo, nhất là các bài báo nghiên cứu về nhện nhảy tại tỉnh Bến Tre của các tác giả đã công bố trước đó, đồng thời tra khảo ở nhiều dẫn liệu quốc tế. Chúng tôi cũng kiểm tra, định danh, quan sát các đặc điểm của mẫu vật dưới kính hiển vi soi nổi, ghi chép lại các đặc điểm quan trọng, kiểm tra cơ quan sinh dục của chúng…”, anh Tâm kể tiếp.

Anh Tâm giảng dạy tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên Chợ Lách
Sau một thời gian dài nỗ lực nghiên cứu, nhận được sự giúp đỡ của một số chuyên gia về nhện ở VN cũng như các nhà khoa học trong và ngoài nước, cả nhóm đã nhận diện được những mẫu vật chính xác là Myrmarachne cornuta. Và đề tài khoa học tổng kết lại sự đa dạng nhện nhảy tại tỉnh Bến Tre đã được đăng trên tạp chí Peckhamia vào tháng 11.2024.
“Chúng tôi phải tự tạo ra nhiều dụng cụ để phân tích nhện. Quá trình nghiên cứu được thực hiện cẩn thận để không làm hư mẫu vật cũng như đưa ra kết quả chính xác nhất”, anh Tâm nói.
Anh Tâm cũng cho biết thêm loài này giống như những con kiến màu đen (còn gọi là nhện giả kiến), có màu đen, có lông bao phủ, cấu tạo kỳ lạ với 8 chân, diện tích tầm 5 – 7 mm…
Theo anh Tâm, đến hiện tại có 6.891 loài nhện nhảy trên thế giới được ghi nhận. Riêng đối với giống Myrmarachne có gần 200 loài, và mỗi loài đều có những hình thái hao hao nhau nên dễ nhầm lẫn. “Vì thế, khi xác định được 4 mẫu vật là Myrmarachne cornuta, chúng tôi rất vui vì góp phần phát hiện thêm một loài nhện nhảy thuộc giống Myrmarachne được ghi nhận ở VN”, anh Tâm chia sẻ.
Cũng theo giáo viên này: “Ngoài việc phát hiện bổ sung thêm một loài mới vào danh sách các loài nhện Myrmarachne tại VN, thì nghiên cứu khoa học của nhóm đã làm rõ sự đa dạng sinh học của nước ta, và là cơ sở để nghiên cứu về sinh thái của nhện nhảy. Đây là một loài thiên địch đối với sâu hại cây trồng. Từ nền tảng nghiên cứu mới về vai trò sinh thái và hành vi của Myrmarachne cornuta đối với các loài côn trùng gây hại, tôi kêu gọi sự chú ý đến việc bảo tồn môi trường sống và nghiên cứu sâu hơn về sinh thái học của các loài nhện tại VN”.

Bài báo của anh Tâm và học viên được đăng trên tạp chí khoa học Peckhamia
Sẽ tiếp tục nghiên cứu về nhện nhảy
Tính đến nay, anh Tâm đã có 9 bài báo, trong đó 7 bài là tác giả chính, được đăng trên tạp chí Peckhamia. “Nội dung ghi nhận những loài nhện nhảy mới ở VN, cũng như các loài phân bố mới mà trước đó chưa được ghi nhận phân bố ở trong nước”, anh Tâm kể.
“Tôi sẽ luôn theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nhất là tiếp tục nghiên cứu về nhện nhảy. Tôi mong được đi khắp nơi trên cả nước để thu được nhiều mẫu vật hơn, có thể công bố thêm những loài nhện nhảy mới chưa được định danh trong thời gian tới”, anh Tâm chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Như Kiều, quyền Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên Chợ Lách, nhận xét: “Thầy Tâm rất nhiệt tình trong công tác nghiên cứu khoa học. Thầy đã hướng dẫn học viên nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đạt những giải thưởng cao về sáng tạo khoa học kỹ thuật. Đặc biệt là những đề tài nghiên cứu về các loài nhện. Thầy là thần tượng của các học viên trong trung tâm”.
Thạc sĩ Hoàng Quang Duy, công tác tại Trường ĐH Tây Nguyên (Đắk Lắk), nghiên cứu sinh về nhện nhảy ở VN, cho biết: “Thầy Tâm là người có tinh thần học hỏi và có đam mê cho các nghiên cứu về nhện nhảy. Mặc dù trang thiết bị còn thiếu thốn nhưng thầy Tâm đã rất cố gắng và truyền tâm huyết cho học sinh. Hy vọng thầy Tâm sẽ tiếp tục các nghiên cứu về nhện nhảy, nâng cao chất lượng các nghiên cứu sau này, để bổ sung dữ liệu đa dạng sinh học cho VN. Vì cho đến nay, ở nước ta chỉ có một vài nhà nghiên cứu về nhện nhảy, nên chưa thể đánh giá hết mức độ đa dạng sinh học của loài này ở VN”.