Ngày 17.12, ENV cho biết: Thời gian qua, hoạt động buôn bán các loài động vật hoang dã ngoại lai phát triển rất mạnh ở Việt Nam. Các loài ngoại lai thường bị buôn bán phổ biến bao gồm: rùa sul-ca-ta, rùa tai đỏ, rồng đất Nam Mỹ, rắn, các loài thú nhỏ và vẹt. Hầu hết các loài này bị nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam hoặc có nguồn gốc từ các cơ sở gây nuôi không được cấp phép và những người chuyên chơi sinh vật cảnh.
Rùa tai đỏ và rồng đất Nam Mỹ đang là thú cưng của nhiều người trẻ nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và đa dạng sinh học cần được ngăn chặn
Đáng chú ý, rùa tai đỏ và rồng đất Nam Mỹ là hai trong số những loài ngoại lai thường bị buôn bán ở Việt Nam. Chúng nằm trong danh mục loài ngoại lai xâm hại – theo Thông tư số 35 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đặc biệt, rùa tai đỏ được biết đến là một trong những loài xâm hại nhất trên thế giới. Trong khi đó, rồng đất Nam Mỹ cũng là một loài đáng quan ngại. Hoạt động buôn bán loài ngoại lai là khả năng hình thành quần thể tự nhiên khi chúng bị thả ra môi trường hoặc trốn thoát. Điều này có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự sống của các loài bản địa khi chúng cạnh tranh nguồn thức ăn, môi trường sống và từ đó phá vỡ cấu trúc cũng như sự cân bằng hệ sinh thái.
Rùa tai đỏ và rồng đất Nam Mỹ tăng chóng mặt
Theo thống kê của ENV, từ tháng 1.2022 – 10.2024, ghi nhận có 471 vụ vi phạm (trên 45.000 cá thể) liên quan đến hoạt động quảng cáo và buôn bán các loại sinh vật ngoại lai. Các loài bò sát chiếm 82% số động vật ngoại lai bị buôn bán trái phép, với 37.048 cá thể rùa, rắn và thằn lằn. Tỷ lệ này với các loài chim là 9% và các loài thú nhỏ khác chiếm khoảng 4%.
Bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc ENV cho biết: Việc kiểm soát hoạt động buôn bán trái phép loài ngoại lai là rất quan trọng nhằm loại bỏ những rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe con người. Thế giới đã ghi nhận nhiều đại dịch có nguồn gốc từ động vật hoang dã như AIDS, SARS, cúm A/H5N1, Ebola, bệnh dại và nhiều khả năng là cả Covid-19.
“Những nguy cơ và rủi ro này đòi hỏi các cơ quan Nhà nước phải nhanh chóng vào cuộc tăng cường công tác quản lý và giám sát để kiểm soát hoạt động buôn bán các loài ngoại lai đang gia tăng chóng mặt ở Việt Nam ngay khi hoạt động này vẫn còn đang nằm trong tầm kiểm soát. Nếu không tình trạng này sẽ ngày càng phát triển và trở thành một cuộc khủng hoảng đòi hỏi nhiều thời gian, nguồn lực để giải quyết các tác động của chúng đến đa dạng sinh học, rủi ro đối với sức khỏe con người và sự an toàn của các loài nguy cấp trên toàn cầu”, bà Hà nhấn mạnh.
ENV cũng phản ánh: Vừa qua, đã có ít nhất một cơ sở tại TP.HCM được cấp phép nuôi thương mại rồng đất Nam Mỹ, mặc dù các Cơ quan khoa học CITES Việt Nam chưa xác nhận việc gây nuôi loài này sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến các loài bản địa.
Tại Đồng Tháp, trong một vụ việc mới đây, thay vì chuyển giao 80 cá thể rồng đất Nam Mỹ và 9 cá thể thằn lằn te-gu bị tịch thu đến trung tâm cứu hộ hoặc vườn động vật thì Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã bán đấu giá những cá thể này cho chính đối tượng bị phát hiện buôn lậu chúng. Hiện đối tượng trong quá trình thực hiện các thủ tục đăng ký mã số cơ sở nuôi.