“Thực hiện trailer V-League 2024 áp lực hơn làm việc cho FIFA”

Từng làm sản phẩm FIFA, Bundesliga, Manchester City lẫn Liverpool, nhưng họa sĩ hoạt hình Anh Tuấn thừa nhận phần hình của trailer V-League 2024 vẫn khó hơn cả, không chỉ bởi việc sáng tạo phục vụ tệp khán giả khó tính, mà còn bởi tiêu chuẩn cực cao của chính anh.

Anh Tuấn dè dặt hơn nhiều so với một họa sĩ hoạt hình nhận lời mời hợp tác từ những nền thể thao lớn nhất thế giới cùng khối lượng sản phẩm chất lượng khổng lồ sau 8 năm làm nghề. Chàng trai sinh năm 1996 giữ tone giọng nhẹ trong suốt thời gian trò chuyện với Thethaovanhoa.vn và không lên giọng dù chỉ một lần.

Với Tuấn, làm hài lòng chính bản thân là điều tối quan trọng trong quá trình sáng tạo. Trailer V-League 2024 là sản phẩm như thế.

Niềm cảm hứng từ cơn… thèm Việt Nam

* Cơ duyên nào đưa Tuấn tới với việc thực hiện phần hình cho trailer V-League 2024?

– Lần đầu tiên tôi làm hoạt hình bóng đá là sản phẩm trailer để ra mắt áo đấu ĐTQG Việt Nam vào năm 2020. Sau đó, tôi cũng có những liên hệ và nhận những lời ngỏ về việc hợp tác với V-League. Tôi từng đảm nhiệm phần hình cho trailer V-League 2022. Năm nay, tôi tiếp tục đảm nhiệm vai trò này.

* Niềm cảm hứng nào giúp bạn triển khai concept văn hóa dân gian cho trailer V-League 2024?

– Hè rồi, tôi về Việt Nam chơi. Vì ở nước ngoài trong thời gian dài, tôi thèm đồ ăn Việt Nam, thèm những ký ức về Việt Nam, một cách rất hoài niệm. Trong vô thức, tôi đi tham quan bảo tàng, các di tích lịch sử. Vì làm nghệ thuật, bóng đá nên điểm chạm giữa hai lĩnh vực này cũng là mục tiêu lâu dài. Tôi có tới Bảo tàng Mỹ thuật tại Hà Nội, và cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), nơi là cái nôi nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc và được truyền cảm hứng dữ dội.

“Thực hiện trailer V-League 2024 áp lực hơn làm việc cho FIFA” - Ảnh 2.

Sau đó, khi nhận lời mời làm trailer V-League 2024, tôi nghĩ ngay tới ký ức mùa hè và tính tới ý tưởng kết hợp kiến trúc, văn hóa Việt Nam vào tranh trong trailer.

* Trong quá trình triển khai, địa phương nào khiến bạn gặp nhiều khó khăn nhất?

– Bình Dương. Thứ nhất, vì các đội xuất hiện trên trailer được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái. Bình Dương là đội đầu tiên, đồng nghĩa là đội phải tạo ra ấn tượng mạnh nhất để khiến khán giả chú ý. Thứ hai, vì Bình Dương là thành phố công nghiệp cũng rất khó để tìm ra điểm nhấn, đặc biệt khi đó tôi đang ở nước ngoài. Sau cùng tôi chọn hình ảnh chim ưng cùng nhà thờ tại Thủ Dầu Một.

* Bạn đến bao nhiêu địa danh đã xuất hiện trong trailer?

– Hơi xấu hổ chút, vì tôi chưa đi được nhiều như vậy. Nhưng đây cũng là thời điểm được tìm tòi, tìm hiểu về văn hóa địa phương. Tự tôi phải làm từ đầu đến cuối về phần hình ảnh bao gồm cả tìm thông tin để thống nhất ý tưởng thiết kế.

* Trailer V-League 2024 khác biệt gì so với những sản phẩm Tuấn từng làm cho FIFA hay Bundesliga?

– Về yếu tố hoạt hình, V-League là đơn vị đầu tiên đặt niềm tin vào tôi cho dự án lớn thế này. Công việc áp lực hơn nhiều khi làm cho FIFA hay Bundesliga. Hoạt hình là việc nhóm, không thể làm một mình. Khối lượng công việc này thường kết thúc trong 3-4 tháng, vốn mang tính dài hạn để phục vụ tệp khán giả đặc thù là fan bóng đá. Nhưng trailer này làm trong vỏn vẹn hơn 1 tháng, từ đầu tháng 9 tới tháng 10. Tới giờ tôi vẫn không thể tin mình đã hoàn thành dự án trong thời gian ngắn đến vậy.

* Khi trailer lên sóng, bạn cảm thấy gì khi sản phẩm được khán giả đón chào?

“Thực hiện trailer V-League 2024 áp lực hơn làm việc cho FIFA” - Ảnh 3.

– Tôi thấy vui, cũng nhẹ nhàng thôi. Thực ra, tôi không đặt nặng việc được khán giả đón nhận hay không. Với tôi, thời điểm đáng nhớ nhất là khi ảnh và nhạc ghép vào lần đầu tiên, cảm giác nổi da gà ngay tức khắc, người lâng lâng. Khi đó tôi đang đi tàu về nhà, suốt hai tiếng đồng hồ chỉ bật trailer xem đi xem lại. Tôi luôn nghĩ việc chinh phục được khán giả đã rất vui, nhưng thỏa mãn “cái tôi nghệ sĩ” của chính bản thân cũng là điều tuyệt vời không kém.

* Phản ứng của bạn bè, gia đình thế nào?

– Tôi khoe chủ yếu với bạn bè thầy cô trong lớp. Có nhiều phản ứng tích cực. Người Thụy Sĩ không hiểu lắm về bóng đá và văn hóa Việt Nam, nhưng họ cũng nhìn ra ngay trailer có hoạ tiết văn hóa thổ cẩm và dân gian. Có người nói với tôi: “Nếu là người Việt Nam, chắc hẳn sẽ rất thích clip này”. Cũng có bạn nói: “Tôi không xem bóng đá nhưng clip này truyền cảm hứng cho tôi tìm hiểu về bóng đá Việt Nam”. Tôi rất cảm động trước các bình luận ấy.

* Xét về độ khó, trailer V-League ở mức nào so với các sản phẩm bạn từng làm?

– Trailer V-League 2022 là sản phẩm thuộc dạng khó nhất từ trước tới giờ tôi từng làm khi là dạng frame by frame animation, cần khoảng 24 hình/giây, rất khó về kỹ thuật. Trailer V-League 2024 cần hình vẽ minh họa, truyền tải họa tiết dân gian sang bóng đá. Yêu cầu này cũng có thể xem là một 9, một 10 về độ khó với trailer hai năm trước. Các sản phẩm làm cho FIFA được phép sáng tạo nhiều, nên được thử nghiệm nhiều về phong cách cũng như ý tưởng.

“Thực hiện trailer V-League 2024 áp lực hơn làm việc cho FIFA” - Ảnh 4.

Tệp khán giả của FIFA là cả thế giới nên nói chung tư duy cũng như khả năng tiếp nhận của nhóm này khá mở. Khán giả Việt Nam khó tính hơn, nên cần tìm điểm chạm. Khán giả Việt Nam cần được gợi lại ký ức và cảm xúc bởi những chất liệu dân gian truyền thống quen thuộc, truyền thống. Áp lực rõ rệt hơn rất nhiều. Vì chính tôi cũng là người Việt Nam nên chuyện càng khó hơn, nhất là để thỏa mãn “cái tôi nghệ sĩ” bên trong chính mình.

Bỏ học Đại học ở tuổi 19, học lại ở tuổi 27

* Hành trình nào đưa bạn tới cuộc sống tại Thụy Sĩ?

– Tôi đang học hoạt hình tại một trường Đại học tại Thụy Sĩ. Trước kia ở Việt Nam, tôi bỏ dở Đại học sau thời gian ngắn để ra ngoài làm việc cho vài studio tại TP.HCM. Sau đó, tôi chuyển hướng làm freelance. Được một thời gian thì cùng gia đình sang Mỹ và có theo học một vài khóa nhỏ dạy kỹ năng. Sau tất cả, tôi quyết định học lại Đại học vào năm ngoái, vì thấy bản thân cần những bản thân cần nền tảng cơ bản vững hơn để làm nghề lâu dài.

* Phản ứng gia đình thời điểm bỏ học?

– Bố mẹ tôi cũng buồn. Ai chẳng muốn con cái đi đúng đường, công việc ổn định. Nhưng bố mẹ vẫn tìm cách hỗ trợ nhiệt tình. Tôi và gia đình cũng trò chuyện thẳng thắn. Tôi chia sẻ bản thân không học được nhiều ở trường Đại học khi đó, nên đặt mục tiêu được làm nhiều nhất có thể để lấy kinh nghiệm.

Ở thời điểm đó, tôi cũng cảm nhận không có nhiều trường đào tạo được về ngành làm phim hoạt hình, nên đã chủ động rời trường để học kinh nghiệm từ ngoài thị trường.

* Bạn đang ở một mình ở Thụy Sĩ? Trang trải chi phí thế nào?

– Tôi vẫn làm việc freelance cho Bundesliga, đây là đối tác thường xuyên nhất. Sau 7-8 năm làm việc miệt mài, tích lũy cũng đủ để du học và tự lập. Mục tiêu dài hạn trong thời gian tới của tôi là được học sản xuất phim hoạt hình, phim dài tập, phim điện ảnh; học được mindset về sản xuất phim nước ngoài ở châu Âu, quản lý dự án, kỹ thuật…, nói chung học nhiều nhất có thể trước khi làm được điều gì đó cho riêng mình.

* Bức ảnh đắt nhất bạn từng vẽ có giá bao nhiêu?

– Đấy là bức kỷ niệm 60 năm sinh nhật Bundesliga, được đăng trên fanpage cũng như website của Bundeslia, làm khoảng 3 tuần. Chi phí xứng đáng với công sức đã bỏ ra. Tôi chỉ có thể nói nó đắt hơn khá nhiều lần so với mức giá trung bình.

* Đơn vị nào trả chi phí cao nhất bạn từng nhận, FIFA, Bundesliga, Bleacher Report hay V-League?

– Thật ra là Liên đoàn khúc côn cầu Mỹ (NHL). Khi đó tôi nằm trong số 16 artist thể thao trên toàn thế giới được tham gia làm việc cho dự án quảng bá cho vòng đấu play-off của giải đấu. Toàn bộ các artist được mời tham gia đều được trả như nhau, và ở mức cao hơn so với mức giá trung bình trên toàn bộ thị trường.

* Bạn có theo dõi bóng đá không và là fan của CLB nào và có ước mơ một ngày làm sản phẩm cho CLB đó?

– Tôi là fan MU, nhưng tình cờ thì hai CLB tại Premier League từng cộng tác làm việc cùng lại là… Man City và Liverpool. Trong đó, sản phẩm hợp tác với Man City là một video chuẩn bị trước trận chung kết Champions League 2020/21, được đăng tải trên website và các trang mạng xã hội của đội.

* Sắp tới, bạn có ra mắt sản phẩm nào tới công chúng không?

– Tôi có một sản phẩm hoạt hình về phở sắp ra mắt tại thị trường Mỹ, một phim cũng hoạt hình khác tại thị trường Việt Nam.

* Cảm ơn Tuấn về cuộc trao đổi!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *