CÓ THỜI ĐIỂM ĐỨNG THỨ 3
Trước khi Trịnh Thu Vinh bước vào loạt bắn chung kết, chuyên gia Park Chung-gun, người trực tiếp huấn luyện cho cô, nhận định: “Qua kết quả vòng loại, xạ thủ VN chủ yếu sẽ tranh chấp với 3 VĐV của Hàn Quốc và Ấn Độ vì họ đều rất mạnh, còn VĐV Hungary dẫn đầu nhưng tôi không đánh giá cao. Hơn nữa, điểm số của Vinh cũng không quá cách biệt, chỉ cần Vinh nỗ lực vượt qua chính mình thì cơ hội giành huy chương không phải là không có”.
Thực tế mọi chuyện ở loạt bắn chung kết đã diễn ra đúng kịch bản khi các xạ thủ của Hàn Quốc và Ấn Độ khẳng định sức mạnh từ đầu, còn cô gái người Hungary sớm bị loại khi bước vào loạt bắn loại trực tiếp. Trong khi đó, Thu Vinh đã đeo sát ổn định ở vị trí thứ tư suốt thời gian dài với khoảng cách chỉ từ 0,8 – 1,8 điểm. Khi bước vào loạt bắn trực tiếp thứ 14, Thu Vinh đã vươn lên san bằng điểm số với Bhaker Manu (Ấn Độ) để đứng thứ 3. Khán phòng vang rền tiếng vỗ tay, còn những người VN có mặt cổ vũ xạ thủ VN rạng rỡ hy vọng.
Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi Thu Vinh bước vào các loạt bắn từ thứ 16 đến 20 lại có vẻ “căng cứng” tâm lý mà theo chuyên gia Park Chung-gun nhìn nhận, cô có chút bị tác động bởi cảm xúc nên thiếu tập trung ở những đường đạn mang tính quyết định.
Lần lượt Thu Vinh bắn trượt hồng tâm khá nhiều, chỉ đạt các điểm 9 và mất dần hy vọng để cuối cùng phải dừng bước ở vị trí thứ tư với tổng điểm là 198,6; thua xa đến 3 điểm so với đối thủ Ấn Độ hạng ba là 221,7. Còn 2 vị trí nhất nhì thuộc về Oh Ye-jin và Kim Ye-ji. Đặc biệt, thành tích 243,2 của Oh Ye-jin đã phá kỷ lục Olympic do Batsarashkina Vitalina lập ở Olympic Tokyo 2021.
Trịnh Thu Vinh tiếc nuối dừng chân ở vị trí thứ 4 chung kết 10 m súng ngắn hơi Olympic
Chuyên gia Park Chung-gun chia sẻ với Thanh Niên: “Thu Vinh đã có thời điểm chơi tốt, lóe lên ánh sáng. Nhưng ở sân chơi lớn như Olympic, kỹ thuật và sự tự tin là cần thiết nhưng để chứng tỏ đẳng cấp còn cần yếu tố may mắn và bản lĩnh thi đấu tốt hơn nữa. Về mặt này, chúng tôi còn phải cố gắng hơn”.
Trưởng đoàn Đặng Hà Việt động viên: “Cả Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền đều đã có những nỗ lực nhất định. Tuy kết quả chưa tốt, nhưng bắn súng chưa phải đã hết hy vọng”.
CƠ HỘI HUY CHƯƠNG Ở NỘI DUNG 25 M SÚNG NGẮN
Nếu Mộng Tuyền đã kết thúc cuộc chơi của mình thì Thu Vinh còn tranh tài nội dung 25 m súng ngắn nữ vào 9 giờ (tức 14 giờ, giờ VN) ngày 2.8, nếu vào chung kết sẽ tranh lúc 9 giờ 30 (14 giờ 30, giờ VN) ngày 3.8. Ở nội dung này, Thu Vinh sẽ gặp lại Kim Ye-ji, còn lại người giành HCV và HCĐ ở nội dung 10 m súng hơi đều không có mặt.
Chuyên gia Park nhận định: “Thật ra các đối thủ đều đã quen mặt nhau và biết ai mạnh yếu thế nào. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào tình trạng thể lực, sự tập trung khi thi đấu. Ở nội dung này, dĩ nhiên Hàn Quốc và Ấn Độ vẫn mạnh, nhưng đáng chú ý có thêm VĐV Trung Quốc, tôi tin Thu Vinh sẽ có cơ hội nhiều hơn”.
Trưởng đoàn Đặng Hà Việt đánh giá: “Chúng tôi luôn xác định Olympic là đấu trường khốc liệt. Khi đặt hy vọng lớn vào bắn súng, chúng tôi xác định đây cũng là một môn thế mạnh của VN, hoàn toàn có thể tranh chấp huy chương. Thực tế Trịnh Thu Vinh đã thi đấu tốt, nhất là kết quả vòng loại cho thấy có sự tiến bộ, tâm lý khá vững vàng cũng như biết cách điều chỉnh hợp lý. Vấn đề còn lại, muốn vượt qua chính mình, cần phải tiết chế cảm xúc, phải xóa tan sự căng thẳng để tạo thần kinh thép thì xạ thủ của chúng ta mới hy vọng có huy chương ổn định”.
Cũng theo ông Đặng Hà Việt: “Chỉ tiêu có huy chương của đoàn VN tại Olympic vẫn không thay đổi. Chúng ta vẫn còn các nội dung 25 m súng ngắn hơi, rowing tứ kết, xe đạp nữ và cử tạ – những môn chưa thể nói trước kết quả vì có thể sẽ có bất ngờ”.