Tiếng gầm chưa đủ mạnh để vượt qua kiệt tác kinh điển

The Lion King từ lâu đã là biểu tượng kinh điển cho thời kỳ “Phục hưng Disney,” chinh phục khán giả qua loạt hậu truyện cùng phiên bản live-action 2019 đình đám. 

Giáng sinh năm nay, Disney tiếp tục mở rộng di sản huyền thoại với Mufasa: The Lion King, hứa hẹn mang đến một hành trình tràn đầy cảm hứng, bi kịch và thông điệp nhân văn.

Mufasa: The Lion King mở đầu như một câu chuyện cổ tích, vào đêm giông bão, Rafiki thông thái kể lại cho Kiara, con gái nhỏ của Simba và Nala. Trú ngụ trong đó là hành trình trưởng thành biến động của Musafa, ông nội của Kiara, người mà cô chưa từng gặp, đã tự mình vươn lên trở thành vị vua vĩ đại xứ Pride Lands.

Bị chia cắt khỏi gia đình sau trận lũ cuốn kinh hoàng, Mufasa gặp Taka, con trai vua Obasi, nhanh chóng trở thành người anh em mà Taka luôn khao khát. Cuộc gặp gỡ tình cờ này mở ra một hành trình dài đầy chông gai, mất mát. Khi mối đe dọa từ Kiros, thủ lĩnh tàn bạo của bầy sư tử trắng, xuất hiện, Taka được lệnh trốn thoát để bảo vệ dòng máu hoàng tộc. Trên con đường tìm đến miền đất hứa, tình bạn giữa Mufasa và Taka liên tục bị thử thách qua những quyết định sinh tử, nơi tình yêu và lòng trung thành phải đặt lên bàn cân.

"Mufasa: The Lion King": Tiếng gầm chưa đủ mạnh để vượt qua kiệt tác kinh điển - Ảnh 1.

The Lion King (tựa Việt: Mufasa: Vua Sư Tử) hiện đang công chiếu tại các cụm rạp toàn quốc từ ngày 20/12

Thông điệp nhân văn mang đậm dấu ấn thời đại

Dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn Barry Jenkins và biên kịch Jeff Nathanson, Mufasa: The Lion King mang đến cho khán giả câu chuyện sử thi giàu cảm xúc về một huyền thoại vượt thời gian. Trong đó, Jenkins, vốn là bậc thầy trong việc khắc họa nội tâm nhân vật, nỗ lực đưa tác phẩm vượt khỏi cái bóng người tiền nhiệm. Bộ phim cung cấp góc nhìn mới mẻ, khám phá yếu tố định hình tính cách con người từ vai trò cao cả của bậc cha mẹ đến những trải nghiệm quý giá trong hành trình trưởng thành.

Nhân vật Mufasa phảng phất một mô típ anh hùng quen thuộc. Không phải là một vị vua bẩm sinh, hay xuất thân “ngậm thìa vàng” từ nhỏ, sư tử Mufasa lớn lên trong nghịch cảnh, mồ côi cha mẹ, bị xem như kẻ ngoại tộc trong gia đình mới của mình. Nhưng chính nơi đó, giữa đàn sư tử cái, Mufasa được học cách săn mồi, sinh tồn và rèn giũa cảm xúc. Từng bước vượt qua chặng đường gai góc của số phận, cậu phát triển, bộc lộ sức mạnh, phẩm chất, mang dáng dấp một nhà lãnh đạo thực thụ, dẫn dắt người dân bằng niềm tin, sự khích lệ, tình thương yêu đồng loại vượt ngoài rào cản huyết thống. Mufasa: The Lion King mở đầu khéo léo gửi gắm thông điệp, ca ngợi tinh thần tự thân làm nên giá trị, bất chấp tầng lớp xuất thân.  

"Mufasa: The Lion King": Tiếng gầm chưa đủ mạnh để vượt qua kiệt tác kinh điển - Ảnh 3.

Tác phẩm khắc họa hành trình trưởng thành của nhân vật theo motif giáo dục cổ điển, chú sư tử nhỏ phải chịu nỗi đau mất cha mẹ đến hai lần

Xuyên suốt tác phẩm, bi kịch gia đình giữa Mufasa và Taka là điểm nhấn cảm xúc giữ chân khán giả, từ anh em thời thơ ấu đến kẻ thù không đội chờ chung. Taka lớn lên trong môi trường thấm đẫm tư tưởng quyền lực, định kiến “nam tính” độc hại mà cha cậu truyền lại. Dù mang trong mình dòng máu hoàng gia, sư tử Taka khư khư ôm lấy mặc cảm yếu đuối, luôn lùi bước trong những thời khắc đòi hỏi lòng can đảm bảo vệ gia đình. Cao trào là khi chứng kiến Sarabi, người cậu thầm yêu, chọn Mufasa, sự tổn thương và tính đố kỵ đã đóng sập cánh cửa ý thức, đẩy Taka bước qua ranh giới đạo đức không thể quay đầu.

Câu chuyện về hành trình trưởng thành, khai phá giá trị bản nguyên sẽ không trọn vẹn nếu thiếu một kẻ thù xứng tầm. Kiros, vai phản diện chính, một con sư tử trắng đột biến, chất chứa niềm căm phẫn, uất hận từ vị trí nạn nhân, bị ruồng bỏ bởi sự khác biệt. Nỗi bất mãn và tham vọng biến hắn thành một thủ lĩnh độc ác, tập hợp đàn sư tử bạch tạng, mưu toan xâm chiếm lãnh thổ. Trong cơn giận dữ sầu thảm, Taka bắt tay với Kiros, phản bội Mufasa, sự kiện này chính thức phá vỡ mối liên kết thiêng liêng tình anh em, lý giải con đường trở thành Scar – kẻ mang vết sẹo quen thuộc mà mọi khán giả đều biết đến.

Chính khỉ Rafiki thông thái đã một lần nhấn mạnh, nỗi đau cá nhân khi bị tách rời khỏi gia đình và tập thể sẽ dần tích tụ, biến thành ngọn lửa hận thù, cuồn cuộn thiêu rụi tâm hồn chúng ta. Thêm vào đó, Mufasa: The Lion King cũng tô đậm chân lý bất biến, cái thiện luôn giành chiến thắng, tinh thần đoàn kết đem lại sức mạnh bền chặt, kết làn sóng bạc đánh tan kẻ thù.

"Mufasa: The Lion King": Tiếng gầm chưa đủ mạnh để vượt qua kiệt tác kinh điển - Ảnh 4.

Các hồi tưởng đan xen cuộc trò chuyện hiện tại hài hước giữa loạt nhân vật phụ đôi lúc khiến cấu trúc trở nên cồng kềnh

Chưa khai thác tối đa tiềm năng cốt truyện

Dễ dàng nhận thấy, Mufasa: The Lion King đang cố cài cắm quá nhiều tuyến truyện trong thời lượng hạn hẹp. Rafiki, Sarabi, cả bầy sư tử trắng hung dữ chen chúc trong một bộ phim, lao nhanh về đích, bỏ qua loạt chi tiết quan trọng cần khai thác. Tính đối lập giữa Mufasa và người anh em kết nghĩa Taka được khắc họa tinh tế ở phần đầu bao nhiêu, thì dần lu mờ ở phần giữa bấy nhiêu khi các nhân vật thay đổi cảm xúc và quyết định một cách đột ngột, chỉ được giải thích bằng loạt hội thoại dài dòng thay vì hành động, bối cảnh rõ ràng.

Bộ phim nỗ lực vượt khỏi khuôn khổ nguyên tác bằng cách khám phá thêm các yếu tố thông điệp bên ngoài tham vọng quyền lực, nhưng tình tiết bổ sung về “chuyện tình tay ba” lại làm câu chuyện thêm phần dễ đoán, che mờ sự phát triển ban đầu về lòng trung thành. Tiền truyện này sẽ thuyết phục hơn nếu tập trung khai thác về thói đố kỵ, tham lam, ganh ghét, những yếu tố cốt lõi tạo nên bi kịch của Scar thay vì gói gọn trong một mâu thuẫn tình cảm nhạt nhòa, không cần thiết.

"Mufasa: The Lion King": Tiếng gầm chưa đủ mạnh để vượt qua kiệt tác kinh điển - Ảnh 5.

Tác phẩm khắc họa hành trình trưởng thành của nhân vật theo motif giáo dục cổ điển, chú sư tử nhỏ phải chịu nỗi đau mất cha mẹ đến hai lần

Kỹ xảo mãn nhãn, âm nhạc gây tiếc nuối

Về mặt thiết kế sản xuất, Mufasa: The Lion King đạt đến một đỉnh cao đáng kinh ngạc so với phiên bản live-action năm 2019. Từng chi tiết, từ vùng savan khô cằn đến đỉnh núi phủ tuyết, thiên đường xanh mướt Milele, được tái hiện sống động bằng công nghệ CGI hiện đại, như một một bộ phim tài liệu của National Geographic. Điều này minh chứng cho sự đầu tư kỹ lưỡng từ phía đội ngũ MPC – công ty hiệu ứng hình ảnh hàng đầu thế giới, với 4 năm nghiên cứu thực địa tại châu Phi để tái hiện thế giới tự nhiên một cách hoàn hảo.

Những pha hành động trong Mufasa: The Lion King được thực hiện kỹ lưỡng, chỉn chu, từ cuộc rượt đuổi nghẹt thở đến những trận chiến kịch tính, với góc quay ngang tầm mắt tạo cảm giác chân thực. Đặc biệt, qua các cảnh quay cận trên cao khi di chuyển, góc nhìn thứ nhất (POV), những cảnh quay liên tục (long take) độc đáo, khán giả hoàn toàn đắm mình vào không gian sống động của thế giới động vật. Bộ phim mang đến trải nghiệm bữa tiệc thị giác mãn nhãn, cuốn người xem vào hành trình phiêu lưu khai sáng của quốc vương huyền thoại Mufasa.

Phần nhạc phim, do Lin-Manuel Miranda sáng tác, nhận được nhiều đánh giá trái chiều. Dù ca khúc mới như I Always Wanted A Brother tạo được điểm nhấn cảm xúc, đa số các bài hát khác thiếu đi sự đột phá, khó lòng đạt đến tầm vóc của những bản nhạc kinh điển năm 1994 của Elton John và Hans Zimmer. Dẫu vậy, âm nhạc vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng bầu không khí tổng thể, góp phần nâng tầm trải nghiệm điện ảnh mãn nhãn mà bộ phim mang lại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *