Triển lãm 300 tài liệu, hiện vật ảnh quý và trao trả hồ sơ cán bộ đi B

Sáng 17/4, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm tài liệu lưu trữ kết hợp với trao trả hồ sơ cán bộ đi B. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm tri ân cán bộ dân sự đi B đã lặng thầm cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Triển lãm trưng bày hơn 300 tư liệu, tài liệu, hình ảnh, hiện vật quý tái hiện chân thực, sinh động hành trình đấu tranh hào hùng của quân và dân tỉnh Gia Lai giai đoạn 1954 – 1975 và quá trình kiến thiết, phát triển kinh tế – xã hội từ sau ngày đất nước thống nhất. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên nhiều hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B được trao trả tận tay cho thân nhân và các tổ chức liên quan sau quá trình xác minh công phu.

Triển lãm 300 tài liệu, hiện vật ảnh quý và trao trả hồ sơ cán bộ đi B - Ảnh 1.

Lễ cắt băng khai mạc Triển lãm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch khẳng định, sự kiện là cơ hội để ôn lại những trang sử hào hùng qua các tài liệu lưu trữ và kỷ vật thiêng liêng được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia. Triển lãm mang một ý nghĩa sâu sắc và độc đáo, ghi lại chân dung của những con người đã sống và cống hiến trong thời khắc gian nan nhất của dân tộc.

Mỗi kỷ vật, bức ảnh là một câu chuyện sống động về sự hy sinh, lòng quả cảm và tinh thần lạc quan của các cán bộ đi B giữa khói lửa chiến tranh, giúp mọi người hình dung rõ nét hơn về cuộc sống, công việc và tâm hồn của những người đã đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên tất cả. Đây không chỉ là tài liệu hành chính mà còn là ký ức, di sản lịch sử quý báu của dân tộc.

Triển lãm 300 tài liệu, hiện vật ảnh quý và trao trả hồ sơ cán bộ đi B - Ảnh 2.

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai trao trả hồ sơ cá nhân cho các cán bộ đi B

Triển lãm gồm hai phần chính. Phần 1 có chủ đề “Đi qua khói lửa chiến tranh” giới thiệu ba nhóm nội dung đặc sắc về tổ chức bộ máy chiến tranh của đế quốc Mỹ – ngụy tại Gia Lai (1954 – 1975); tài liệu về tổ chức chiến trường Gia Lai của cách mạng và tài liệu về phong trào kháng chiến tại địa phương. Những hình ảnh, bản đồ chiến lược, thư từ, lệnh điều động, cùng các hiện vật gắn bó với cán bộ, chiến sỹ một thời… được chọn lọc kỹ lưỡng, trình bày có chiều sâu giúp người xem hình dung rõ nét bối cảnh lịch sử và hy sinh to lớn của lớp lớp thế hệ đi trước.

Phần 2 dành riêng cho hoạt động trao trả hồ sơ cán bộ đi B – những con người đặc biệt đã rời quê hương, mang theo lý tưởng và trách nhiệm lớn lao. Họ là những y sĩ, bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, nhà báo, nghệ sĩ… từng được các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể địa phương cử vào miền Nam công tác hoặc là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc rồi trở lại phục vụ chiến trường. Dịp này, Ban tổ chức đã trao trả lại 38 bộ hồ sơ cán bộ đi B cho các cá nhân và thân nhân, đại diện cho hàng ngàn hồ sơ được bảo quản, lưu trữ tại Trung Tâm Lưu trữ quốc gia II (Bộ Nội vụ).

Triển lãm 300 tài liệu, hiện vật ảnh quý và trao trả hồ sơ cán bộ đi B - Ảnh 3.

Các cán bộ đi B tham quan kỷ vật một thời trên chiến trường

Bà Nguyễn Thị Kim Liên (trú thành phố Pleiku, một trong những cán bộ đi B trực tiếp nhận lại hồ sơ cá nhân) xúc động chia sẻ, năm 1968 – thời điểm chiến trường miền Nam đang khốc liệt, bà đã viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu và được phân công làm y tá tại tỉnh Kon Tum (thuộc chiến trường Tây Nguyên). Lòng căm thù giặc, tình yêu nước mãnh liệt và sự gắn bó với đồng đội đã giúp bà vượt qua gian khổ. Hôm nay, được cầm trên tay hồ sơ của chính mình, một phần ký ức mà bà tưởng đã bị thời gian phủ bụi như sống lại – đó là quãng đời tuổi trẻ sục sôi lý tưởng.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia II cho biết, việc trao trả hồ sơ cho cán bộ đi B là hành động thiết thực thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; góp phần làm sáng tỏ lịch sử, tôn vinh những đóng góp âm thầm nhưng vĩ đại. Mỗi tờ giấy, mỗi dòng chữ trong những hồ sơ này đều chứa đựng một phần lịch sử sống động và thiêng liêng.

Triển lãm 300 tài liệu, hiện vật ảnh quý và trao trả hồ sơ cán bộ đi B - Ảnh 4.

Các chiến sĩ trẻ Quân đoàn 34 tham quan Triển lãm

Sau lễ khai mạc, đông đảo đại biểu, cựu chiến binh, người thân các cán bộ đi B cùng học sinh, sinh viên và người dân đã tham quan triển lãm. Nhiều người đã xúc động khi được tận mắt nhìn thấy tên tuổi, bút tích hay di vật gắn bó với người thân được lưu giữ cẩn trọng qua năm tháng. Những hiện vật như chiếc bút máy, phù hiệu ngành, sổ tay ghi chép, tấm hình đen trắng… đều chứa đựng ký ức về một thời tuổi trẻ đã cống hiến; góp phần viết nên trang sử oai hùng của dân tộc, nhắc nhở thế hệ hôm nay về một giai đoạn lịch sử hào hùng và những hy sinh cao cả, lý tưởng cao đẹp đã làm nên một Việt Nam thống nhất, phát triển như hôm nay.

Chiến sỹ Lê Văn Hào (Đại đội 4, Quân đoàn 34) bày tỏ, được tận mắt chứng kiến những kỷ vật, bức thư, đơn tình nguyện… và lắng nghe các bác kể lại ký ức về một thời tuổi trẻ cống hiến, anh càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc. Là một người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam, anh rất vinh dự và phải có trách nhiệm nối tiếp tinh thần ấy.

Triển lãm mở cửa tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai (số 21 Trần Hưng Đạo, thành phố Pleiku) từ ngày 17/4 đến hết dịp lễ 30/4 -1/5/2025.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *