Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư thăm nhân chứng bến tàu không số Vũng Rô

Ngày 27.11, nhân kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của tàu không số (28.11.1964 – 28.11.2024), ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, đã đến thăm, tặng quà các nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến đấu bảo vệ bến, bảo vệ tàu và vận chuyển vũ khí từ những con tàu không số – đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư thăm nhân chứng bến tàu không số Vũng Rô- Ảnh 1.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa và lãnh đạo tỉnh Phú Yên tặng quà cho Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu không số

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đã đến thăm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trung tá Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu 41 với 12 lần chỉ huy tàu không số vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam; thăm thiếu tá Ngô Văn Định, nguyên chiến sĩ đơn vị bảo vệ bến Vũng Rô – K60, Trưởng ban Liên lạc bến tàu không số Vũng Rô.

Khi nghe các nhân chứng kể lại chiến công của tàu không số cập bến Vũng Rô, ông Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ trân trọng những cán bộ, chiến sĩ, dân công đã cùng các chuyến tàu không số đã vượt qua sóng gió, khó khăn gian khổ để vận chuyển an toàn vũ khí và hàng hóa, tạo nên huyền thoại, những kỳ tích hào hùng, trường tồn cùng thời gian, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư chúc sức khỏe và mong muốn Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh, các nhân chứng lịch sử tiếp tục truyền nhiệt tình cách mạng, giáo dục truyền thống yêu nước của quân và dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

Qua đó, cổ vũ toàn dân nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục giành được những thắng lợi to lớn trên con đường đổi mới, hội nhập, xây dựng và phát triển.

Vũng Rô (TX.Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) là nơi được T.Ư và Khu V chọn để đón các chuyến tàu không số tiếp tế vũ khí, hàng chi viện cho các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Đắk Lắk. Tại đây, từ tháng 11.1964 đến tháng 2.1965, đã có 4 chuyến tàu không số cập bến, trong đó 3 chuyến cập bến thành công với khoảng 200 tấn vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường.

Từ sự chi viện kịp thời của tàu không số, quân và dân ở Phú Yên đã giành được nhiều thắng lợi quyết định trên chiến trường như chiến thắng Gò Thì Thùng năm 1966; tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968; cùng bộ đội chủ lực giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày 1.4.1975, góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 26.11.2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (tại TP.Hải Phòng, tỉnh Phú Yên, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Cà Mau) là Di tích quốc gia đặc biệt.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *