Sáng 20.12, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức, đào tạo về các kỹ năng ứng dụng AI gắn với vị trí việc làm cho khoảng 150 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn.
Chương trình nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả các hoạt động nền hành chính công, góp phần tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về vấn đề chuyển đổi số.
Tham gia lớp bồi dưỡng, các học viên được giới thiệu khái niệm trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), mô hình Chat GPT, Gemini… và cách ứng dụng thực tiễn các công cụ này trong quá trình làm việc.
Tại chương trình, ông Đào Trung Thành, chuyên gia chuyển đổi kỹ thuật số, hoạt động trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin đã phân tích những tác động của AI đến đời sống và quá trình làm việc của con người. Đặc biệt, ông Thành nhấn mạnh về việc ứng dụng AI trong hành chính công.
Theo ông, AI tạo sinh là công cụ quan trọng, giúp cải thiện hiệu quả và chất lượng dịch vụ công. Việc sử dụng AI thông minh, hợp lý có thể giúp tăng hiệu suất cơ quan nhà nước, nâng cao trải nghiệm của người dân.
Ông Thành cho biết thêm, hiện AI có thể hỗ trợ con người thực hiện một số công việc như soạn thảo văn bản hành chính, tóm tắt tài liệu, dịch thuật, trực quan hóa dữ liệu hay thiết kế tài liệu truyền thông…
“Trong tương lai, các ứng dụng mới của Generative AI sẽ tiếp tục được phát triển và triển khai trong lĩnh vực hành chính công. Việc áp dụng AI cũng sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu suất làm việc và chất lượng dịch vụ công. Đặc biệt, Generative AI sẽ góp phần tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho người dân khi tương tác với chính quyền”, ông Thành nói.
Trong khuôn khổ chương trình, các giảng viên cũng cung cấp thêm các thông tin về mô hình GPT, hướng dẫn xây dựng Prompt hiệu quả, cách tương tác và định dạng câu hỏi để người sử dụng nhận được phản hồi chính xác và hữu ích.
Đặc biệt, lớp học bồi dưỡng chú trọng hướng dẫn học viên sử dụng trợ lý ảo theo 2 kịch bản. Thứ nhất là kịch bản tổng hợp báo cáo cho các bộ phận tổng hợp báo cáo. Thứ hai là kịch bản phân tích báo cáo cho lãnh đạo phục vụ chỉ đạo điều hành và các tính năng khác như trả lời câu hỏi, viết văn bản, hỗ trợ lập trình, phân tích dữ liệu, tích hợp vào hệ thống quản lý công việc và lịch biểu…
Toàn bộ học viên sẽ thực hành trực tiếp trên các ứng dụng AI để làm quen và được giải đáp thắc mắc trực tiếp.
Thông qua chương trình thí điểm đào tạo, bồi dưỡng về ứng dụng AI, các cán bộ, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sẽ nắm vững kiến thức và áp dụng thành thạo các ứng dụng AI trong quản lý thời gian, tự động hóa các tác vụ thường nhật, làm trợ lý ảo cá nhân để nhắc nhở công việc, xử lý công việc khoa học…
Từ đó, góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực hành chính công.