Vén màn bí mật về “The Last Judgement” của Michelangelo sau 500 năm

Với ý nghĩa sâu sắc về sự cứu rỗi và sự đọa đày, không thể phủ nhận rằng The Last Judgement (Sự phán xét cuối cùng) là một trong những bức bích họa đẹp nhất thế giới. Giờ đây, một phát hiện mới đầy kinh ngạc đã được chuyên gia nghệ thuật người Italia Sara Penco nêu trong cuốn sách mới xuất bản Mary Magdalene in Michelangelo’s Judgement.

The Last Judgement được nghệ sĩ thời Phục hưng Michelangelo vẽ lên bức tường trong Nhà nguyện Sistine tại Vatican từ năm 1536 đến 1541, với kích thước 13,7m chiều cao và 12,2m chiều rộng.

Khám phá từ “sự nhạy cảm tuyệt vời”

Tác phẩm nghệ thuật này miêu tả nhiều hình ảnh nam giới nửa thân trần đang vươn lên thiên đường hoặc rơi xuống địa ngục vào ngày phán xét cuối cùng. Và gần 500 năm sau, chuyên gia nghệ thuật người Italy Sara Penco tuyên bố rằng bà đã phát hiện ra một nhân vật kinh điển quan trọng trong bức tranh tuyệt đẹp này – đó chính là nhân vật Mary Magdalene.

Cần nhắc lại, Mary Magdalene có một vị trí đặc biệt trong truyền thuyết Kitô giáo, có vai trò gần như một môn đồ yêu quý của Chúa Jesus. Bà được nhớ đến vì vai trò quan trọng trong các câu chuyện của Phúc âm, như một nhân chứng cho sự khổ nạn và phục sinh của Chúa. Theo Phúc âm, bà đã được Chúa Jesus chữa lành khỏi sự ám ảnh của bảy con quỷ, đánh dấu sự bắt đầu của cuộc sống mới.

Vén màn bí mật về "The Last Judgement" của Michelangelo sau 500 năm - Ảnh 1.

Hình ảnh về bà Mary Magdalene được thể hiện với mái tóc vàng, đang hôn cây thánh giá của Chúa Jesus

Mary Magdalene đã xuất hiện một cách tinh tế trong bức tranh – theo lời của Sara Penco – với mái tóc vàng, đang hôn cây thánh giá của Chúa Jesus. Phát hiện này được bà Penco trình bày trong cuốn sách mới dày 240 trang của mình, mang tựa đề Mary Magdalene in Michelangelo’s Judgement (tạm dịch: Mary Magdalene trong bức tranh The Last Judgement của Michelangelo).

Tại cuộc hội thảo mới đây ở Rome, bà Penco nói: “Tôi hoàn toàn tin rằng đây là Mary Magdalene. Điều này đến từ bầu không khí gần gũi với cây thánh giá, chiếc áo vàng và mái tóc vàng, cộng với toàn bộ bối cảnh mà Michelangelo đặt nhân vật này vào để nhấn mạnh tầm quan trọng của bà”.

Bà Penco khẳng định rằng người đàn ông đang vác cây thánh giá chính là Chúa Jesus, chứ không phải Simon xứ Cyrene – người đã bị người La Mã buộc phải vác thánh giá với Chúa.

Penco cũng khẳng định có hai hình ảnh của Chúa Jesus trong The Last Judgement – một bên phải với Mary Magdalene và một ở giữa. Hình ảnh ở giữa cho thấy Chúa Jesus được bao quanh bởi nhiều thánh nhân nổi bật, với ánh sáng rực rỡ xung quanh và mẹ của Ngài, Đức Maria, đứng gần bên.

Vén màn bí mật về "The Last Judgement" của Michelangelo sau 500 năm - Ảnh 2.

Toàn bộ kiệt tác “The Last Judgement” trong nhà nguyện Sistine tại Vatican

Mặc dù khuôn mặt của Chúa Jesus trong kiệt tác này có thể khác nhau, song cả hai đều có cánh tay phải ở cùng một vị trí và có mái tóc sáng màu giống nhau. 2 gương mặt này cũng đều không có râu – khác với những hình ảnh truyền thống về Chúa Jesus với bộ râu, được cho là lấy cảm hứng từ một bức tượng Hy Lạp cổ đại về thần Apollo.

Mặc dù có vẻ kỳ lạ khi có cùng một nhân vật xuất hiện hai lần trong một bức tranh song Penco khẳng định những khuôn mặt này được phân biệt là “Chúa Jesus phán xét” và “Chúa Jesus cứu rỗi”.

Theo Penco: “Michelangelo là một họa sĩ tài ba, ông rất am hiểu, ông biết các Phúc âm và không thể quên Mary Magdalene”.

The Last Judgement được cho là có khoảng 300 nhân vật, vì vậy ngay cả 500 năm sau khi kiệt tác này được Michelangelo hoàn thành, vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh danh tính của các nhân vật trong tranh. Tuy nhiên, Giáo sư Yvonne Dohna Schlobitten tại Đại học Gregorian ở Rome đồng ý với cách giải thích mới của bà Penco.

Vén màn bí mật về "The Last Judgement" của Michelangelo sau 500 năm - Ảnh 3.

Kiệt tác “The Last Judgement” trong Nhà nguyện Sistine tại Vatican của danh họa Phục hưng Michelangelo

“Với sự nhạy cảm tuyệt vời, Sara Penco đã khám phá ra những điều thuộc về bản chất của nghệ thuật” – Yvonne Dohna Schlobitten nói trong phần giới thiệu của cuốn sách – “Chúng ta có thể thấy rõ ràng cách mà hình tượng và thần học liên kết trong lý luận của Penco để hình thành một tầm nhìn”.

“Với sự nhạy cảm tuyệt vời, Sara Penco đã khám phá ra những điều thuộc về bản chất của nghệ thuật” – GS Yvonne Dohna Schlobitten.

Kiệt tác vĩ đại trong 5 thế kỷ

The Last Judgement được công nhận rộng rãi là một trong những kiệt tác vĩ đại nhất của Michelangelo. Bức tranh lấy cảm hứng từ The Divine Comedy (Thần khúc) của Dante và được Giáo hoàng Clement VII đặt hàng vào năm 1534. Michelangelo hoàn thành nó dưới triều đại của Giáo hoàng Paul III.

Vén màn bí mật về "The Last Judgement" của Michelangelo sau 500 năm - Ảnh 5.

Một phần bức tranh, với cảnh Mary Magdalena đang hôn cây thánh giá

Một chi tiết thú vị là hình ảnh người phụ nữ hôn thánh giá, dù chỉ xuất hiện ẩn mình ở rìa bức tranh nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng. Phía dưới bức tranh, nhân vật thần thoại Minos giám sát việc nhận những linh hồn bị đọa đày vào địa ngục, có hình dạng tương tự như Biagio da Cesena (1463-1544) – một linh mục và nhà phê bình đương thời của Michelangelo.

Trong quá trình Michelangelo thực hiện tác phẩm, Biagio được cho là đã phàn nàn về sự hiện diện của những hình ảnh khỏa thân, rằng điều đó thật xấu hổ trong một nơi thiêng liêng. Michelangelo đã phản ứng bằng cách khắc họa Minos với gương mặt của Biagio, kèm theo đôi tai lừa…

Vào thời điểm Michelangelo thực hiện tác phẩm này, ông đã bị Hồng y Oliviero Carafa lên án vì cho rằng tác phẩm mang tính chất vô đạo đức và tục tĩu. Những Hồng y cao cấp, bao gồm cả người phụ trách nghi lễ của Giáo hoàng, đã yêu cầu phủ lên những phần gây tranh cãi bằng lá vả. Dù Giáo hoàng từ chối, nhưng 24 năm sau khi Michelangelo qua đời, lá vả đã được vẽ lên bức tranh bởi một trong những học trò của ông – Daniele Da Volterra.

Michelangelo – nghệ sĩ vĩ đại

Michelangelo Buonarroti (1475-1564) là nghệ sĩ đầu tiên được đồng nghiệp công nhận là thiên tài – theo National Gallery ở London. Ông là họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư và nhà thơ, nổi bật với những tác phẩm trường tồn với thời gian.

Sinh ra ở Caprese, Michelangelo được đào tạo đầu tiên là một họa sĩ với Ghirlandaio, sau đó là một nhà điêu khắc dưới sự bảo trợ của Lorenzo de’ Medici. Năm 1496, ông đến Rome, nơi ông khắc tác phẩm Pietà cho Thánh đường St Peter. Trong thời gian ở Florence, ông đã bắt tay vào nhiều dự án điêu khắc và hội họa, nhưng nhiều tác phẩm vẫn chưa hoàn thành.

Chân dung danh họa Phục hưng Michelangelo

Từ năm 1505, ông được triệu tập đến Rome để thực hiện ngôi mộ điêu khắc cho Giáo hoàng Julius II, một dự án kéo dài cho đến năm 1545. Từ năm 1508 đến 1512, Michelangelo đã vẽ trần nhà nguyện Sistine với các cảnh trong Kinh Cựu ước, từ Sáng thế đến Câu chuyện về Noah.

Ngay lập tức được ca ngợi, trần nhà nguyện Sistine, với vô số hình ảnh trong những tư thế phức tạp và sự sử dụng màu sắc rực rỡ, đã trở thành nguồn gốc chính của phong cách Mannerist (trường phái kiểu cách – một trào lưu nghệ thuật xuất phát ở Italia khoảng từ 1520 tới 1580, tiếp sau thời kỳ Phục hưng). Mặc dù luôn tự nhận mình là người Florence, Michelangelo đã sống phần lớn cuộc đời ở Rome, nơi ông qua đời ở tuổi 88.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *