Vì sao Apple không thể chuyển việc sản xuất iPhone về Mỹ?

Theo WCCF Tech, bất chấp những đồn đoán và thảo luận về khả năng áp thuế quan mới từ ông Donald Trump, việc Apple chuyển dây chuyền sản xuất iPhone chủ lực về Mỹ được xem là ‘chuyện không tưởng’. Đó là khẳng định đanh thép từ Mark Gurman, nhà phân tích công nghệ uy tín của hãng tin Bloomberg.

Không có khả năng Apple chỉ sản xuất iPhone ở Mỹ

Nguyên nhân chính cho tuyên bố này được chỉ ra là chi phí nhân công và vận hành tại Mỹ sẽ tăng chóng mặt, phá vỡ hoàn toàn mô hình chuỗi cung ứng hiệu quả về chi phí mà Apple đã dày công xây dựng tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ. Chính nhờ tận dụng chi phí nhân công thấp tại các khu vực này, Apple mới có thể tối đa hóa lợi nhuận từ ‘bò sữa’ iPhone.

Apple sẽ không 'dại dột' dời việc sản xuất iPhone về Mỹ - Ảnh 1.

Việc chỉ sản xuất iPhone ở Mỹ là chiến lược kinh tế sai lầm

Ông Gurman thậm chí còn bác bỏ một dự đoán trước đó cho rằng thuế quan có thể đẩy giá bán lẻ iPhone tại Mỹ lên tới 3.500 USD (hơn 90 triệu đồng) và nhấn mạnh trong một bài đăng khác: “Không có bất kỳ kịch bản nào mà Apple lại chuyển sản xuất iPhone về Mỹ”. Ông cho rằng chi phí khổng lồ để xây dựng nhà máy và vận hành tại Mỹ là rào cản quá lớn.

Bên cạnh chi phí tài chính, yếu tố nhân lực cũng là một thách thức không nhỏ. YouTuber công nghệ Vadim Yuryev (chủ kênh Max Tech) đồng tình với nhà báo Gurman và đưa ra góc nhìn thực tế rằng việc tìm kiếm và duy trì một lực lượng lao động lớn tại Mỹ, sẵn sàng thực hiện công việc lắp ráp có tính lặp đi lặp lại, đơn điệu trong nhiều giờ liên tục với mức lương ‘đủ sống’ theo tiêu chuẩn Mỹ là cực kỳ khó khăn. Điều này có thể dẫn đến sụt giảm sản lượng đáng kể.

Vì thuế quan của ông Trump, iPhone sẽ vượt ngưỡng 60 triệu đồng?

Nếu Apple buộc phải sản xuất iPhone tại Mỹ, việc phải trả lương cao hơn cho công nhân chắc chắn sẽ làm tăng chi phí hoạt động chung, buộc hãng phải tăng giá bán iPhone, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh và túi tiền người tiêu dùng. Trong khi đó, việc sản xuất một số sản phẩm khác có sản lượng thấp hơn tại Mỹ là khả thi, nhưng không thể áp dụng cho quy mô khổng lồ của iPhone.

Để thấy rõ sự khác biệt về quy mô và chi phí nhân công, báo cáo gần đây cho biết Foxconn – đối tác lắp ráp chính của Apple – đã phải tuyển dụng thêm tới 50.000 công nhân và đưa ra mức thưởng gia nhập 1.050 USD/người chỉ để chuẩn bị cho đợt sản xuất iPhone 16. Tại Mỹ, khoản tiền thưởng này được xem là ‘muối bỏ bể’.

Ngay cả khoản đầu tư 500 tỉ USD mà Apple đã cam kết ‘rót’ vào nền kinh tế Mỹ trong vòng 4 năm cũng không hề đề cập đến việc xây dựng các nhà máy sản xuất iPhone nội địa.

Vì vậy, dù áp lực chính trị hay các chính sách thuế quan có thể thay đổi, các rào cản khổng lồ về kinh tế, vận tải và nhân lực dường như là quá lớn để gã khổng lồ công nghệ xứ Cupertino có thể đưa dây chuyền sản xuất iPhone về quê nhà trong tương lai gần.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *