‘Việt Nam – quê hương thứ hai của tôi !’

Tôi thấy thật tuyệt vời khi được du học tại đây

Tôi ở thủ đô Vientiane (Lào) và đang học năm 4 ngành Y đa khoa Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Năm 2019, thời điểm tốt nghiệp THPT, tôi có ý định học trong nước. Nhưng khi nghe ba và những người bạn của ba gợi ý, tôi tìm hiểu về Việt Nam và biết y học ở TP.HCM rất phát triển; còn trường đại học thì có nhiều lựa chọn, đội ngũ giảng viên đầy nhiệt huyết. Thế là tôi quyết định xin học bổng và cuối cùng được chọn sang học ở Việt Nam.

'Việt Nam - quê hương thứ hai của tôi !'- Ảnh 1.

Xaiyavong Duangmany và mẹ Nguyễn Thị Hằng

Ba mẹ tôi thường nói nước bạn Việt Nam là anh em thân thiết của nước Lào, nên họ hoàn toàn yên tâm khi tôi qua đây học tập, sinh sống. Ba mẹ cũng dặn dò tôi phải luôn hòa đồng với các bạn và cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng thầy cô và kỳ vọng của ba mẹ ở quê nhà.

Trước khi đi du học, tôi cũng có nhiều băn khoăn, nhất là không biết có chịu được cảnh xa quê nhà, xa bố mẹ cũng như các khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa hay không.

Lúc mới qua, tôi rất bỡ ngỡ. Cùng với việc sống xa gia đình, không quen các món ăn của Việt Nam, tôi nhiều khi nhịn đói và thủ sẵn mì Lào để ăn.

Khi dần quen với nhịp sống của thành phố, quen dần với khí hậu 2 mùa, tôi cũng thích luôn các món ngon của người Việt. Đến nay, tôi thấy thật tuyệt vời khi được du học tại đây. Tôi nhận được rất nhiều tình cảm, sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể. Các thầy cô giáo cũng hết lòng giảng dạy để tôi và các du học sinh khác có được một môi trường học tập tốt nhất.

Tôi từng nghe và thấy câu “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” thật đúng. Trước đây khi học tiếng Việt, có lúc tôi thấy rất nản. Nhưng giờ tôi đã nghe, nói và viết tiếng Việt rất giỏi.

Năm 2020, tôi đăng ký tham gia chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào và Campuchia đang học tập tại TP.HCM” do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức. Đây là nhịp cầu gắn kết thật sâu sắc và nghĩa tình. Tôi được gia đình của mẹ Nguyễn Thị Hằng nhận đỡ đầu. Mẹ Hằng là một cán bộ nghỉ hưu và ngôi nhà yên bình của mẹ ở Q.4, gần sông Sài Gòn. Ngoài tôi, mẹ còn nhận nuôi 5 bạn khác nữa, đều là sinh viên Lào. Tình yêu thương, sự quan tâm, giúp đỡ của mẹ Hằng cho tôi cảm giác là tôi thật sự có một gia đình thứ hai ở Việt Nam.

Tôi cũng hiểu mình đang sắm vai đại sứ văn hóa. Là sinh viên Lào sống ở Việt Nam, tôi cũng cảm thấy tự hào và ghi nhớ công lao của các thế hệ lãnh đạo đã dày công vun đắp tình hữu nghị hai nước. Tôi càng biết ơn người mẹ đỡ đầu. Mẹ Hằng đã luôn hỗ trợ để tôi và những bạn Lào khác an tâm học tập thật tốt. Sau này khi trở về nước, tôi sẽ nhớ mãi những kỷ niệm về Việt Nam – quê hương thứ hai của mình.

Xaiyavong Duangmany (Du học sinh 22 tuổi)

Không bao giờ quên đất nước Việt Nam xinh đẹp

Tôi là sinh viên Lào, đang học năm 4 Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM). Thế là đến nay cũng 5 năm, tính luôn thời gian học tiếng Việt, tôi sống ở Việt Nam.

'Việt Nam - quê hương thứ hai của tôi !'- Ảnh 2.

Phoummy Bin và mẹ Phạm Thị Bích Ly tại Ngày hội gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia năm 2022

Còn nhớ, sau khi tốt nghiệp lớp 12, tôi thích làm bác sĩ. Lúc đó, ba mẹ tôi ở quê nhà Thongmixay, tỉnh Xayabury, gợi ý cho tôi đi học ở Việt Nam vì họ biết ngành y tế ở đây rất phát triển. Tôi từng có họ hàng điều trị bệnh ở Việt Nam; chưa kể, ba mẹ tôi cũng từng tiếp xúc và cảm mến tinh thần, tính cách người Việt.

Sau đó, tôi tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa, con người Việt Nam. Lúc đó, tôi cũng nghĩ Việt Nam là một nước sôi nổi, con người thì hiền lành như dân Lào vậy. Tôi được nhận học bổng của thành phố và cuối cùng thì cũng tới ngày tôi rời xa gia đình. Đó là năm 2019, ba chở tôi ra chuyến xe khách đi sang Việt Nam và chúc tôi đi đường bình an, ráng học để mang thành công về cho gia đình và đất nước. Chuyến xe đó chỉ có mình tôi là người Lào.

Ở Việt Nam, tôi thấy được sự phát triển của đất nước này, cơ sở hạ tầng, đường sá thuận tiện. Nhưng tôi lại thấy mình giống như một người ngoài hành tinh vậy, vì tôi không biết tiếng Việt. Thời tiết cũng nóng so với quê tôi; còn ẩm thực của Việt Nam thì đa dạng hơn nhiều, trong khi người Lào chuộng ăn xôi, đồ nướng với vị chua cay.

Dần dà tôi hòa nhập vào môi trường sống ở đây. Người Việt Nam luôn cởi mở, tốt bụng, hiền lành, hay giúp đỡ nhau. Hồi dịch Covid-19, sinh viên Lào được người thành phố hỗ trợ rất nhiều, từ thức ăn, thuốc men cho tới đồ dùng sinh hoạt.

Sau một thời gian dài ở đây, điều tôi thích nhất chính là cách người Việt Nam luôn tôn trọng tổ tiên mình, yêu Tổ quốc và luôn sẵn sàng đoàn kết, hy sinh vì đất nước; chưa kể, họ luôn siêng năng, hăng say lao động.

'Việt Nam - quê hương thứ hai của tôi !'- Ảnh 3.

Gia đình của Bin (thứ hai, từ trái sang) sang Việt Nam thăm gia đình đỡ đầu của con mình

Ở TP.HCM có một chương trình đặc biệt, đó là “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM”. Có lẽ cũng từ điều đó và nhờ duyên số, tôi được làm con của mẹ Phạm Thị Bích Ly. Mẹ là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn viên chức TP.HCM. Lần đầu tiên gặp mẹ ở chương trình giao nhận con năm 2022, tôi ấn tượng vì mẹ có khuôn mặt hiền lành, cười rất tươi, lời nói nhẹ nhàng như một người Lào vậy. Cùng đến với mẹ có cả ba Phương và 2 em gái.

Qua thời gian gắn bó, tôi thấy không có khoảng cách nào trong gia đình cả. Tôi thấy mình như con ruột, như người anh trai ruột vậy. Cuối tuần, mẹ Ly thường nấu ăn chờ tôi về hoặc mang đến cho tôi ở trường, ở bệnh viện. Mẹ cũng thường xuyên dẫn tôi đi thăm nhà nội, ngoại; đi tham quan nhiều di tích lịch sử. Có khi cả nhà lên xe đi du lịch, trải nghiệm ẩm thực nhiều vùng miền.

Nếu có duyên, tôi cũng muốn được tiếp tục học nâng cao tại TP.HCM. Tôi đã gắn bó ở đây rồi, nếu rời xa cũng sẽ rất cân nhắc. Nhưng về lâu dài, tôi cũng sẽ trở lại quê hương để phục vụ đất nước. Tôi sẽ không bao giờ quên đất nước Việt Nam xinh đẹp – nơi đã rèn luyện, tạo con đường đi tới tương lai cho tôi. Ở Việt Nam, tôi có những người bạn thân thiện, nhiệt tình, có một gia đình thứ hai chan hòa, thân ái.

Phoummy Bin (Du học sinh 24 tuổi)


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *